Bảo hiểm nông nghiệp

ĐĂNG QUANG 04/06/2018 09:51

Ngày mai (5.6), Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (số 58/2018/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực. Đây là tin vui cho bà con nông dân, bởi nghị định này nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Điều đáng quan tâm là nghị định đã có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho bà con nông dân rất rõ ràng. Theo đó, với hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm, hộ không thuộc diện nêu trên thì hỗ trợ tối đa không quá 20%. Riêng với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường cũng được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cần giải thích thêm phí bảo hiểm, đó là số tiền bên mua đóng bảo hiểm theo hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (biểu phí được Bộ Tài chính thông qua). Trên cơ sở hợp đồng đó, khi xảy ra rủi ro với các đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ  chi trả một khoản hỗ trợ theo cam kết. Có hai loại rủi ro, là do thiên tai và do dịch bệnh, dịch hại. Tất nhiên loại rủi ro nào cũng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận.

Cũng theo nghị định, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ gồm các loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); vật nuôi (trâu, bò, heo, gia cầm); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra). Nghị định cũng nêu rõ, hàng năm, ngân sách nhà nước bảo đảm dành một khoản  trong dự toán để hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Phải nói rằng, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh thì chính sách hỗ trợ bảo hiểm là hết sức cần thiết và cấp bách. Bởi vậy, cần phải nhanh chóng xúc tiến nhiều việc như kêu gọi các doanh nghiệp vào bảo hiểm, tuyên truyền cho bà con nông dân và các tổ chức cá nhân sản xuất tham gia bảo hiểm, xác lập danh sách cụ thể về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, bố trí kinh phí hỗ trợ v.v.

Thực ra câu chuyện bảo hiểm nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ đã từng được triển khai, như đã có việc bảo hiểm chăn nuôi trâu bò. Tuy nhiên, vì không có hành lang pháp lý chặt chẽ nên một số địa phương thực hiện lẻ tẻ một thời gian rồi bỏ lửng. Người dân trở lại đồng ruộng vẫn cam chịu cảnh “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, mà không ai bán bảo hiểm để mua nhằm phòng ngừa, chia sẻ rủi ro như các loại hình sản xuất khác. Rủi ro thiên tai dịch bệnh đe dọa thường xuyên, đồng thời cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa tái diễn, khiến cho câu chuyện “giải cứu” trong sản xuất nông nghiệp lắm lúc rộ lên. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được đặt ra gay gắt trong sản xuất nông nghiệp khi mà hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng hiện hữu rõ ràng. Cho nên lần này, với một nghị định của Chính phủ, hy vọng việc bảo hiểm nông nghiệp cùng các chính sách hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất một cách bền vững hơn.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG