Trong cơn sốt đất...
Gần đây, chuyện đất đai lại quay cuồng. Mới nghe rục rịch chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế thì từ Phú Quốc, đến Khánh Hòa, ra Vân Đồn, giá đất tăng chóng mặt. Chắc chắn cán cân cung cầu đang chao đảo. Chắc chắn có bàn tay đầu cơ. Chắc chắn hiệu ứng lây lan tăng giá thổi lên cơn bão tràn đến các vùng đất khác nữa…
Như các dự án đầu tư đất đai từ phía Đà Nẵng trải mạnh về vùng cận kề Quảng Nam. Một đội ngũ “cò” đất đông đảo chưa từng thấy dựng lên bảng biển giao dịch chằng chịt. Giá đất vùn vụt tăng, có người ước tính mức tăng tới hơn 200% giá mua ban đầu. Ai cũng biết nguồn cung của Đà Nẵng ngày càng khan hiếm nên chuyện đội giá lên là tất yếu.
Hiệu ứng lây lan đã tạo ra cơn sốt đất cho các vùng ở Quảng Nam thấy rõ. Trong khi đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại chưa xong thì cả khu vực Cẩm Thanh và đông bắc Duy Xuyên đã ào tới cơn bão mua bán đất. Vùng gần kề các dự án Nam Hội An, khu du lịch của Vinpearl, xuất hiện ngày càng nhiều những “bầy cò” đất. Vùng đông Thăng Bình và Tam Kỳ cũng bị tác động nên giá đất lên cao bất thường.
Cơn sốt đất chưa biết bao giờ mới hạ nhiệt và đang gây ra những trận “bão lòng” ở cư dân bản địa. Nghèo mà, bao đời làm gì có tiền tỷ nên có ai có đất mà thấy nhiều người hỏi mua đều sốt sắng. Nhưng câu hỏi đặt ra treo lơ lửng đó là bán hết đất sẽ đi đâu, nếu không có nghề nghiệp mưu sinh thì có đống tiền mà ngồi ăn không núi cũng lở? Con cái chia đất ông bà cha mẹ để lại rồi bán đi nắm được đồng tiền trước mắt, còn những ý nghĩa thiêng liêng khác của đất đai thì sao? Thốt nhiên lởn vởn hiện về câu chuyện cũ nhưng còn nguyên ý nghĩa mang tầm nhân loại là việc người da đỏ bán đất cho chính phủ Mỹ. Chuyện rằng, sau khi tạo nên khu vực Washington năm 1853, chính phủ Mỹ đã đề nghị người da đỏ ký hiệp định để mua đất của họ. Người da đỏ biết là nếu từ chối đất đai của họ có thể bị cưỡng chiếm. Ông Seattle (1786-1866), trùm da đỏ đã nói rằng: “Chúng tôi là thành phần của đất và đất là thành phần của chúng tôi…
Nếu chúng tôi bán đất cho các ông, thì các ông phải nhớ đất là của thiêng và mỗi phản chiếu đầy màu sắc của mặt nước trong dưới hồ luôn nhắc nhớ những biến cố và kỷ niệm của dân tộc chúng tôi…
Các ông phải dạy cho con cháu là đất chúng bước lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết tôn trọng đất, bảo chúng là đất được giàu có bởi đời sống của dòng dõi. Dạy cho con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng tôi: Đất là người mẹ. Cái gì xảy đến cho đất sẽ xảy đến cho con cái của đất”.
(…)
Câu chuyện trên là một nhắc nhớ không chỉ cho người Mỹ. Dân tộc nào, người bản địa ở quốc gia nào, nếu không coi đất đai là chuyện máu thịt thì sẽ mất gốc rễ sinh kế và văn hóa nữa. Đi ra từ đất nước nông dân, người Việt cũng coi tấc đất là tấc vàng. Hơn thế, đất là môi trường sinh tồn chủ yếu, là tư liệu sản xuất, là hơi thở, là tài sản thiêng liêng có tính truyền thừa dân tộc.
Với Quảng Nam, nhất là ở vùng đông đang rất cần những “mặt bằng sạch” để kêu gọi đầu tư. Vì vậy, nếu không quản lý tốt hiện trạng, để những cơn sốt đất tăng giá ảo một cách ào ạt thì sẽ tác động phá vỡ quy hoạch, việc bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ càng khó khăn. Điều đáng quan tâm là chính quyền sở tại cần tư vấn cho người dân cách thức quản lý đất đai của mình một cách hợp lý, đừng bất chấp tất cả mà bán đất bừa bãi để rồi mất đứt luôn chỗ đứng tương lai. Đặc biệt điều lo nghĩ nữa là câu chuyện văn hóa và an sinh xã hội, có thể vì cơn sốt giá đất có thể làm nóng lên những biến động khó lường.
ĐĂNG QUANG