Mở và đóng
Xu hướng mở cửa hay đóng cửa (mà có chuyên gia nói là chủ nghĩa bảo hộ) trong thị trường luôn tồn tại song hành. Dù có muốn hợp tác, mở rộng cánh cửa xuất khẩu hàng hóa, thì ai cũng phải giữ cái “nồi cơm bát gạo” của mình trong “sân chơi” hội nhập. Do vậy, không thể phán xét rằng “Mỹ mà xấu” khi họ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nay thì không tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, họ chỉ tính chơi với nước nào mang lại lợi ích nhiều cho mình; lại là anh nhà giàu nên chuyện chơi với ai thường muốn ở cửa trên.
Rõ ràng không có Mỹ trong CPTPP lợi ích của Việt Nam có thể ít đi, vì Mỹ đang là thị trường lớn của hàng Việt. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ với nhiều mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên xu hướng bảo hộ của Mỹ đặt ra cho Việt Nam phải tìm đường mở cửa ra các thị trường khác. Và, chuyện ký kết CPTPP là hành trình ghi nhận sự nỗ lực lớn, bền bỉ của cả 11 nước thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên hăng hái nhất. Tác động tích cực của CPTPP đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi ích kinh tế mang lại rất lớn. Dự báo từ những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản về tác động CPTPP tới từng thành viên cho thấy, CPTPP giúp tăng 1,1% GDP Việt Nam từ các cam kết thuế quan và giúp tăng 9,29% GDP Việt Nam từ các cam kết phi thuế, cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình lợi ích mà TPP mang lại cho GDP của các thành viên. Một khảo sát trên 1.150 doanh nghiệp, do Tập đoàn tài chính HSBC thực hiện, cho thấy khoảng 63% doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ; khoảng 47% kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.
Cánh cửa xuất khẩu hàng hóa mở rộng sẽ mang lại lợi ích nhiều cho Việt Nam. Như với hai mặt hàng chủ lực là dệt may và thủy sản. Ngay khi CPTPP có hiệu lực, Canada cam kết loại bỏ thuế ngay lập tức cho 42% các dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam vào nước này. Cũng nên biết Canada hiện là thị trường nhập khẩu dệt may lớn của thế giới, trong khi nhập khẩu dệt may từ Việt Nam mới chiếm 2% tổng nhập khẩu dệt may của Canada. Còn với mặt hàng thủy sản, thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là Nhật Bản hy vọng sẽ mở rộng cơ hội hơn.
Dù CPTPP không có Mỹ nhưng vẫn phải chơi với Mỹ. Đối tác thương mại Mỹ có sự hấp dẫn thị trường với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Dĩ nhiên việc hợp tác, mở cửa thị trường Mỹ sẽ bằng “chìa khóa” khác như các hiệp định song phương, hoặc theo cơ chế đa phương trong APEC chẳng hạn. Trong APEC, hiện có 7 nền kinh tế thành viên nằm trong tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore).
Những tín hiệu lạc quan, tích cực sẽ đến, nhưng mở cửa càng rộng thì càng phải chú trọng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp. Còn nhớ khi hồ hởi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xong thì nhiều cơ hội mà WTO cho phép đã bị chúng ta bỏ lỡ, và một số ngành, lĩnh vực Việt Nam đã mở cửa sớm hơn cam kết khi năng lực chưa sẵn sàng. Hay như cả giai đoạn chuẩn bị thực hiện TPP vào năm 2016, khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 200 hiệp hội doanh nghiệp về hiệu quả công tác tuyên truyền cam kết và rà soát quy định của các bộ, ngành đã cho thấy chỉ 50% phần việc là có hiệu quả. Do vậy, chuyện đổi mới tư duy, mở cửa thị trường còn đụng rào cản của tư tưởng lỗi thời, bao cấp, đặc quyền đặc lợi của “nhóm lợi ích”. Lộ trình mở về cơ chế, chính sách hẳn còn vướng bởi bộ máy vận hành một cách nhiêu khê, chưa được cải tiến đồng bộ…Và cũng không ít người muốn đóng cửa để “nhàn”, để khỏi phải bộc lộ sự thiếu năng động, để vĩnh viễn không đón được ngọn gió lành mát rượi từ hội nhập và phát triển.
ĐĂNG QUANG