Trở lại mặt đất
Quá tự tin với một “tinh thần thép” được khơi dậy trên đấu trường bóng đá. Quá bay bổng với những sảng khoái của một môn thể thao “vua” cuốn hút vô vàn người hâm mộ. Rồi quá tiếc nuối cho đội bóng U23 vuột mất chiếc cúp vô địch châu Á... Nhưng tất cả đều cần trở lại mặt đất với những ngổn ngang chuyện đời thường mà trăn trở cho đất nước và người dân.
Những tài năng trẻ của chúng ta, không chỉ ở thể thao, mà nhiều lĩnh vực khác vẫn chưa được dẫn dắt thực sự bởi niềm tự tin Việt Nam. Bao nhiêu học sinh đã vượt lên đỉnh Olympia trở về sau du học? Bao nhiêu huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic đã tan chảy ra nước ngoài? Bao nhiêu thương hiệu Việt bị lấn ép trên sân nhà, rồi nhượng quyền hoặc bị mua đứt? Bao nhiêu cuộc cờ thương trường mà ta còn thua về năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất? Bao nhiêu tiền bạc đã chảy theo tham nhũng, tiêu cực?... Những câu hỏi đó, như xoáy vào tâm can để người Việt phải tìm ra và tháo gỡ “điểm nghẽn” thực sự trong tư duy, chiến lược và năng lực vận hành đời sống, nhằm đưa đất nước đứng vững trên mặt đất trước khi bay lên tầm cao mới.
Năm 2018 đi qua tháng đầu tiên. Chính phủ đã hối thúc triển khai ngay nghị quyết giao việc để không rơi vào tình cảnh “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” nhưng động thái nhìn chung của bộ ngành, địa phương, đơn vị thì vẫn còn chậm. Đặc biệt, về cải thiện môi trường kinh doanh, theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ cố gắng nhiều nhưng ở tầng thực hiện thấp hơn là bộ ngành, địa phương còn nhiều vấn đề. Có nhiều việc Chính phủ hứa hoặc cam kết ở lãnh đạo cấp cao nhưng cấp dưới không làm theo. Chính vì môi trường kinh doanh cải thiện chậm chạp, nên doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chi phí kinh doanh tăng cao (chi phí logistics còn quá đắt đỏ lại bị ngáng trở bởi các loại phí như BOT). Trong khi đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh còn nhiều rào cản bởi thể chế chính sách còn bất cập và khó khăn nội tại về nguồn nhân lực, quy mô doanh nghiệp, sự liên kết theo chuỗi giá trị. Do vậy, việc tháo gỡ điểm nghẽn này vẫn là khao khát của doanh nghiệp, như ông Trần Bá Dương - ông chủ của Thaco bộc bạch: “Tôi thèm khát sự kinh doanh minh bạch, và luôn khao khát nền kinh tế Việt Nam hội nhập với lộ trình hợp lý cho từng ngành nghề, để doanh nhân và doanh nghiệp Việt được cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp ở khu vực và trên thế giới”.
Trở lại mặt đất để nhận thức rõ hơn vị thế của mình. Những kết quả tăng trưởng năm qua (GDP đạt 6,81%, số doanh nghiệp thành lập mới hơn 127 nghìn, thu nhập bình quân đầu người hơn 2.300USD), và cộng cả thành quả sau 30 năm đổi mới, có thể bồi đắp thêm niềm tin đi tới. Nhưng quyết không thể lấy đó để “bốc hỏa” lên mây xanh mà cho rằng Việt Nam một sớm một chiều sẽ thành con rồng kinh tế của châu Á và thế giới. Hãy suy ngẫm với thông tin mà GS.Trần Văn Thọ - một người con gốc quê xứ Quảng, cho biết Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%. Với “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.
Trở lại mặt đất để thấy cho dù Việt Nam đang rất hăng hái cố gắng đi vào công nghiệp 4.0, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng đến nay tất cả chỉ mới hô hào, cố gắng ban đầu, đạt một số kết quả nhưng còn quá nhỏ trong tổng thể hiệu quả chung của một nền kinh tế. Và, điều trước tiên là cần phải tập trung gia tăng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động mới có thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công.
Trở lại mặt đất để vào cuộc mạnh mẽ hơn với năm 2018, năm bản lề trên chặng đường về đích, làm sao vừa tăng trưởng nhanh hơn nhưng bền vững hơn. Một sự tự tin chỉ có được với năng lực nắm bắt vận hội, hiện thực hóa bằng hành động, sáng tạo liên tục, nỗ lực bền bỉ, chứ không bằng cảm xúc nhất thời bay bổng.
ĐĂNG QUANG