Giọt nắng ngày đông

ĐĂNG QUANG 25/12/2017 09:04

Có tới 16 cơn bão kéo theo những cơn mưa lũ dai dẳng.

Có sự vỡ ra dữ dội ở các tập đoàn kinh tế lớn.

Có sự cố thiệt hại về kinh tế và con người không nhỏ.

Năm 2017 quả là một năm nhiều biến động, khó kể hết. Còn mấy ngày nữa tới tết dương lịch, bận rộn kết sổ sẽ còn nhiều vui buồn cần kiểm đếm lại. Nhưng với nông dân đất Việt nói chung, xứ Quảng nói riêng vẫn là những lo toan cho mùa màng. Vì thế có lẽ tin vui từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, như giọt nắng ngày đông cho một niềm ấm áp để gieo hạt mầm hy vọng.

Thật thế, câu chuyện xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 tới nay là tin vui cuốn hút sự quan tâm với những ai dự tính kế hoạch làm ăn mới. Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã  đạt  204  tỷ USD, tăng 21,5% (tương ứng tăng 36,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15.12 đã thặng dư 2,72 tỷ USD. Còn Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 210 tỷ USD, tương ứng mức tăng trưởng gần 19%.

Những loại  hàng hóa đi đầu trong xuất khẩu là điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính, dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, thủy sản, hạt điều... Ấn tượng nhất là giá trị kim ngạch xuất khẩu của hàng rau quả Việt Nam đến giữa tháng 12.2017 đã đạt gần 3,35 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và đã vượt xa ngưỡng đạt của cả năm 2016. Ngành rau quả đã xuất khẩu vượt lúa gạo, cà phê và cả dầu thô. Rau quả xuất siêu, trong đó 6 loại quả đã vào được 6 thị trường khó tính bậc nhất. Rau quả góp bình quân mỗi ngày gần 10 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Đến bây giờ có thể nói, dự ước mức đạt hơn 3,5 tỷ USD cho năm 2017 của rau quả xuất khẩu ở trong tầm tay. Cần nói thêm, thị trường tiềm năng cho rau quả còn rất lớn, bởi toàn cầu thu được kim ngạch hơn 200 tỷ USD thì phần của Việt Nam còn rất nhỏ. 

Bên cạnh rau quả, các mặt hàng nông sản thực phẩm khác cũng rất ấn tượng về con số kim ngạch xuất khẩu như thủy sản đạt hơn 7,6 tỷ USD (trong đó con tôm chiếm hơn một nửa), hạt điều hơn 3,2 tỷ USD...

Thành công của xuất khẩu rau quả nói riêng và hàng nông sản thực phẩm nói chung cho thấy việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung các sản phẩm hàng hóa chủ lực đưa ra thị trường bước đầu có tín hiệu tốt. Khởi sự doanh nghiệp và khởi nghiệp từ nông nghiệp trên cơ sở tài nguyên bản địa cũng đã hé mở lối đi vào các thị trường tiềm năng.

Thực tế, sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu nói chung là hiệu ứng của chính sách tiếp tục mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại và xúc tiến đầu tư. Bởi thế, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó,  cùng với việc tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN... thì hàng hóa Việt Nam bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ Latinh...

Đáng mừng là  theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), cho thấy Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Năng lực cạnh tranh được tính toán với nhiều chỉ số, nhưng riêng với cạnh tranh hàng hóa là điều dễ cảm nhận, và là cái cần khởi sắc trước tiên. Đã qua rồi thời cất tiếng hát “mùa xuân đến từ những giếng dầu” cùng ngành khai khoáng, mà hãy bắt đầu với năng lực chế biến, chế tạo, nâng cao năng suất của các ngành có thế mạnh tạo ra sản phẩm khác biệt để cạnh tranh. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu rõ ràng phải tìm được giọt nắng từ ánh sáng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa cả trên thị trường khó tính và mới nổi.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG