Cấm nể né tránh!
Thực tế đã từng có dấu “phẩy” ngăn cách bốn chữ nói trên cho các vùng trong chuyện phòng chống tham nhũng. Có vụ còn lưng chừng, không truy cứu trách nhiệm, xử lý đến cùng, nên qua rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân còn bộc bạch nỗi băn khoăn có hay không vùng cấm, vùng nể, vùng né, vùng tránh trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Trả lời chất vấn trên nghị trường Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định không có vùng cấm nào trong việc chống tham nhũng. Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng xác quyết lại điều đó, rằng chống tham nhũng là cuộc chiến gian khó, nhưng càng khó càng phải làm, không có bất cứ vùng cấm nào. Còn nhớ, trước đây khi ông Đinh La Thăng bị cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, cử tri cũng băn khoăn và Tổng Bí thư đã nêu rõ “đây mới là xử lý kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng. Còn hình sự chúng ta đang làm”.
Ngàn lời nói không bằng hành động. Hàng loạt đại án tiếp tục điều tra xét xử. Tổng Bí thư chỉ đạo “khoanh vùng” 15 vụ án lớn, 8 vụ tham nhũng nghiêm trọng, cần phải mau chóng kết thúc điều tra, truy tố, xét xử; có vụ sẽ làm ngay trước tết này. Và nay thì ông Đinh La Thăng tiếp tục bị khởi tố bắt tạm giam, minh chứng rất rõ quyết tâm nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Điều đó thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng rất lớn, rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ quyết liệt tới cùng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ, vì vận mệnh dân tộc, đất nước.
Tuy nhiên, liều thuốc mạnh này đã đủ đả thông hết kinh mạch chưa? Đã đủ xóa tan sự hoài nghi chưa? Đã khiến cho những kẻ tham nhũng còn núp bóng đâu đó phải co vòi chưa? Đừng chủ quan!
Thường trong điều trị bệnh nặng người ta phải dùng kháng sinh liều cao, nhưng phải đủ liều, không thì nhờn thuốc. Và khi cơ thể đã quen thuốc, lúc bệnh nặng hơn thì càng khó trị. Cơ thể người và cơ thể xã hội cũng có điều tương tự như vậy. Căn bệnh tham nhũng, nếu đã dùng đến biện pháp mạnh thì phải đủ liều, trị tới nơi; nếu dừng nửa vời thì con “vi rút tham nhũng” sẽ kháng thuốc, tìm cách thích ứng, càng khó trị. Do vậy, không thể để những vùng cấm, vùng nể, vùng né, vùng tránh cho con vi rút ấy trốn vào. Đã nói không có vùng cấm thì cũng phải xóa hết các vùng kia, không có dấu ngăn cách nào.
Còn một vùng nữa cũng có chuyện để nói, đó là “vùng an toàn”. Có kẻ tham nhũng đã tìm cách vơ vét cạn đáy rồi “hạ cánh an toàn”, là về hưu hoặc ra nước ngoài định cư. Chuyện này không dễ xử lý triệt để. Nhưng những trường hợp như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, cho thấy cần phải giăng lưới pháp luật thế nào để không có lỗ hổng cho tội phạm trốn ra nước ngoài. Và việc, cách những chức vụ của người về hưu cũng không có nhiều ý nghĩa đối với quan chức từng tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102/QĐ-TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có nêu thời hiệu xử lý đến 10 năm (với trường hợp cảnh cáo hoặc cách chức). Có thể hiểu đây là cách “hồi tố” trách nhiệm để truy tố sai phạm, nhằm răn đe cho những kẻ rắp tâm “vơ vét chuyến hàng chót” trước khi “hạ cánh an toàn” về hưu. Đặc biệt với Quy định 102, nếu thực hiện triệt để quan điểm “đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời” thì quan chức (hầu hết đều là đảng viên) mà tham nhũng sẽ khó tìm nơi an toàn.
Cấm nể né tránh, là quyết tâm và phương châm chống tham nhũng đến cùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ví nạn tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm”, vì thế “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”. Lòng dân giờ đây cũng đang hướng về mặt trận không tiếng súng nhưng đầy cam go và quyết liệt ấy.
Niềm tin và hy vọng cũng bắt đầu từ đấy.
ĐĂNG QUANG