Hạt giống cho mùa sau

ĐĂNG QUANG 13/11/2017 11:13

Sau lũ về quê, thấy rất nhiều vườn rau tơi tả, dấu tích bùn non phủ dày còn in bờ rào giậu. Nghe kể cơn lụt vừa qua lên mau xuống chậm, vào nhà trùng trình mãi mới chịu ra, chính vì thế cái cách “chao nước lụt” cũng mất công. Và hạt giống cho mùa sau vẫn phải cẩn trọng giữ gìn.  

Thế nào là “chao nước lụt”? Đó là cách dọn dẹp sớm thứ bùn đọng. Khi nước lụt rút ra đến đâu thì dùng chân và các dụng cụ để chao rửa. Nền nhà chao, sân cũng chao, vườn rau thì chao bằng cách dùng thau phát nước trên bề mặt khi còn nước ngâm ngang đọt lá. Không dùng cách đó, để khi lụt rút hẳn ra trơ trọi thì bùn non đóng dày, không cách chi mà chao rửa nổi. Kinh nghiệm này dân  sống vùng lũ đã đúc kết và thường thực hành. Nhờ vậy, chỉ sau cơn lụt vài mươi ngày là cây rau còn sức sẽ nảy đọt đâm chồi. Vừa qua, có một hiệu lệnh rất kịp thời được áp dụng cho nhiều nơi là “nước rút tới đâu dọn dẹp tới đó”. Vì thế nhiều trường học, công sở, đường sá, cơ sở sinh hoạt mau chóng được dọn vệ sinh. Cũng nhờ hiệu lệnh đó, Hội An kịp làm sạch đường phố, tổ chức ngày hội đón khách quý của APEC tham quan khi vừa qua cơn lũ dữ.

Còn nói về cách giữ hạt giống, kinh nghiệm của bà con vùng lũ cũng rất hay. Xưa, bao giờ trên gác, chỗ cao ráo nhất thường để trữ lúa giống, đậu giống, bắp giống... Trừ phi nước lụt lên tới nóc, còn bình thường thì dù có mất mát thứ gì khác nhưng hạt giống vẫn được giữ cẩn thận, hết mùa lũ có ngay mà dùng. Nay, không phải nơi nào cũng trữ giống vì có sẵn đại lý giống, nhưng những người “cẩn tắc vô áy náy” vẫn làm theo cách cũ. Nhờ vậy, sau lũ, các loại hạt giống có lên giá thì họ cũng chẳng lo lắm. Nỗi lo là bão rớt, lụt trễ lúc mùa màng đã bắt đầu gieo trồng mới hại. Cho nên bà con không vội, ngay khi mùa bão lũ sắp qua vẫn nghe ngóng, chờ sau 23 tháng 10 âm lịch mới xuống đồng. Kinh nghiệm này không phải bao giờ cũng đúng (như năm ngoái lụt trễ, khiến vụ rau màu tết và vụ lúa đông xuân ngập úng), tuy nhiên đó vẫn là cách đề phòng tốt vào những năm “thuận trời” - mưa thuận gió hòa.

Kể chuyện kinh nghiệm của bà con nông dân để đề cập một điều rằng trên vùng đất luôn phải phòng tránh, ứng phó với thiên tai lũ lụt bao giờ cũng phải tích cực chuẩn bị sẵn tâm thế thích ứng. Có “tích cốc” mới “phòng cơ” được. Có phòng xa mới bớt  được nỗi lo. Như chuyện sau lũ, ngoại trừ những hoàn cảnh bi đát do tai nạn bất ngờ, còn phần lớn dân vùng lũ như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên... không bi quan lắm với ngộ cảnh mất mát rau màu. Gặp rất nhiều người nghe họ nói, có được cơn lụt dọn sạch chuột bọ trên đồng bãi, lại cho phù sa thì mùa màng mới tốt. Giữ được hạt giống cho mùa sau là còn hy vọng, đó là cách thế ứng xử thường thấy. Cho nên trong cơn lụt, sau khi đã dọn dẹp đồ đạc an toàn, thì có người đi thả lưới, kéo rớ kiếm cá, lại hùn nhau đúc bánh xèo ăn chơi. Nói họ không lo sợ lũ dữ là không đúng nhưng biết cách “sống chung” với lũ là chuyện không phải bây giờ mới kể, chẳng đặng thế thì phải làm sao.

Đối với các nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền, sau mỗi đợt bão lũ cũng cần nhìn lại công tác chỉ đạo việc phòng tránh thiên tai. Như về chỉ đạo bố trí lực lượng cứu hộ cứu nạn ứng trực trên những vùng xung yếu, về phối hợp điều hành thủy điện xả lũ, về thông tin cảnh báo, về các phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, về trồng cây ngăn gió bão, hỗ trợ làm nhà tránh lũ... Không bao giờ là chu toàn mọi thứ, những nếu có những phương án phòng bị đúng và trúng, dự lường và có cách xử lý tình huống hiệu quả thì sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân. Năm nào cũng phải tính, và lo phòng xa; lúc trời nắng đã phải lo chuyện đó chứ khi bão nổi, lũ tràn thì xoay trở rất khó, nhất là ở vùng địa hình bị chia cắt, cô lập. Có như vậy mới có thể thích ứng, nhất là khi biến đổi khí hậu càng gay gắt, khó lường.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG