Voi điên

ĐĂNG QUANG 06/11/2017 08:04

Bão số 12 (Damrey) được đặt tên là Con Voi, đã càn quét dữ dội cả một vùng rộng lớn.

Không như dự báo ban đầu rằng điểm đổ bộ của bão sẽ vào phía nam Khánh Hòa đến Phan Rang, con “voi điên” này khi vào Biển Đông, gặp không khí lạnh đã quặt ngược ra Phú Yên, rồi đạp lên tới Tây Nguyên. Cơn bão cũng có đường đi khó đoán, tác động trên diện rộng, đi kèm gió giật nhiều nơi khiến tàu thuyền đã trú đậu ở cửa biển dọc 5 tỉnh Nam Trung Bộ đều bị va đập mạnh. Và chuyện không ngờ là tàu cá đã vào cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi) vẫn bị bứt neo, tàu vận tải hàng đậu ở Quy Nhơn (Bình Định) cũng bị đánh chìm...

Thống kê ban đầu, tính đến chiều qua (5.11), bão Con Voi, kèm theo mưa lũ đã làm gần 50 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng, hàng trăm tàu bị chìm, hàng ngàn lồng bè nuôi thủy hải sản bị cuốn trôi, hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái... Điều đau xót nhất là nhiều người tử vong, mất tích và bị thương do bão.  

Nói Con Voi này điên, nhưng nghĩ lại có cơn bão nào mà không điên, có thiên tai nào đều được dự lường đúng cả khả năng tàn phá? Chuyện đo lòng trời rất khó chính xác, chỉ biết rằng mỗi ngày diễn biến thời tiết càng khó lường hơn, dù phương tiện cảnh báo có thể hiện đại hơn. Vấn đề ở chỗ là khả năng thích ứng và chống chọi. Không có bài học kinh nghiệm nào vô nghĩa, ví như thử so sánh sự bất ngờ của cơn bão này như  bão Linda xảy ra cách đây hai mươi năm. Nó cũng đi những đường khó lường, và đi vào chỗ dễ mất cảnh giác, ít phòng bị nhất là Nam Bộ. Còn với bão Con Voi, Nha Trang cũng đã hàng chục năm rồi chưa thấy bão mạnh như thế nên có phần lơi lỏng, chủ quan khi “đón tiếp” nó. Về chuyện chạy tránh trú bão, có nơi còn chủ quan nên tàu bè không neo kỹ, tàu chở hàng nghĩ mình to, chắc nên không tính phương kế vào chỗ an toàn hơn, nhà mái tôn tạm bợ lại ở đầu ngọn gió không được chằng chống làm sao chịu nổi, mùa mưa bão còn thả cá lồng bè làm sao khỏi trôi. Thiệt hại chẳng ai muốn, nhưng chỉ cần mất cảnh giác là sa cơ khi thiên tai ập đến.

Bão kéo theo mưa lớn, làm thủy điện ở nhiều tỉnh thành phải xả lũ. Rút kinh nghiệm nhiều lần nên việc vận hành xả lũ của thủy điện xem ra được giám sát chặt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có chuyện lợn cợn phải suy nghĩ là sao có thủy điện xả lũ vào lúc nửa đêm rất khó dự lường sự cố biến động cho vùng hạ du bị ảnh hưởng? Sao không xả sớm với lưu lượng ít, xả từ từ cho thong thả, dễ đối phó hơn khi nước đã lên đỉnh lũ? Còn có nỗi lo khác là hầu như dọc vùng biển giờ đã vắng những cánh rừng chắn gió nên việc chống chọi với bão càng khó bội phần.  

Trước tiếng kêu thương của đồng bào bị hoạn nạn do bão lụt, rồi đây chắc Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ lại phải vào cuộc giúp khắc phục hậu quả, “lá lành đùm lá rách”, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó là câu chuyện mà vùng đất “ngửa mặt ra Biển Đông” thường phải toan tính, âu lo mỗi khi vào mùa mưa bão. Vừa qua cơn bão lũ dữ dội ở miền Bắc, giờ tới miền Trung, thiên tai đã làm dải đất Việt thêm cong oằn gánh nặng với đời sống nhân dân. Chỉ biết, bây giờ cần hơn hết bao nghĩa cử động viên, giúp đỡ, hỗ trợ, huy động cả sức mạnh cộng đồng vượt lên gian khó, để “...còn chồi xanh cây”.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG