Sát cánh với doanh nghiệp
Đã có những tín hiệu lạc quan hơn cho nền kinh tế Việt Nam khi GDP đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý III. Nếu như tâm lý e ngại từng xuất hiện với những phân tích và dự báo của các chuyên gia, vì GDP chỉ đạt 5,15% (quý I) và 6,17% (quý II), thì nay với mức đạt 6,41% hy vọng đã nhóm lên khi dự báo mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay có thể đạt được.
Vậy cái gì làm nên tăng trưởng?
Có nhiều yếu tố, song cốt lõi để tăng trưởng GDP là đóng góp của từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, theo các chuyên gia, đã có sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; nhiều ngành sản phẩm trong khu vực này có mức tăng trưởng gần hai con số và hơn hai con số. Cụ thể như ngành dệt may tăng hơn 9%, ngành sản xuất kim loại tăng hơn 20%, ngành sản xuất điện tử và các linh kiện điện tử đối với Samsung 9 tháng tăng hơn 25% và riêng quý III tăng 45%. Đặc biệt dịch vụ - chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của ba khu vực, cũng có mức tăng trưởng rất mạnh (tăng 7,25%).
Đề cập về khu vực kinh tế nào, ngành hàng gì, rốt cuộc vẫn đi đến sự đóng góp của doanh nghiệp. Sinh khí khởi nghiệp - sáng tạo đã có tác động lan tỏa, “Nhà nước kiến tạo” đã sát cánh với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, 9 tháng qua đã có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký gần 903 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số lượng doanh nghiệp và 45,5% về số vốn. Chính nhờ môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tốt hơn, số vốn của các doanh nghiệp mới thành lập cũng như đã thành lập bỏ thêm vốn vào nền kinh tế tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng vốn; số lượng vốn mới đăng ký và cả số lượng vốn của các dự án đã đầu tư ở Việt Nam bỏ ra đầu tư thêm đã đạt mức cao, vượt qua con số cả năm 2016.
Đáng kể là nhờ sự năng động của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên (Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc). Doanh nghiệp làm ăn được mới có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường, xác lập được kỷ lục lần đầu tiên xuất khẩu 1 tháng đạt hơn 19 tỷ đô la...
Ở tầm địa phương như Quảng Nam, 9 tháng qua đã có 882 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 13.800 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 82 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 143 dự án, tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD. Đặc biệt, đã cấp phép 56 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 12.110 tỷ đồng; so với cùng kỳ, tăng 36 dự án đầu tư trong nước và tăng 3 dự án FDI.
Có những tín hiệu tốt nhưng không thể chủ quan. Vì theo các chuyên gia, nhiều “điểm nghẽn” vẫn còn cản trở tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh còn phức tạp, rối rắm, tạo ra chướng ngại cho hoạt động của doanh nghiệp. Động thái tích cực của Bộ Công Thương khi công bố cắt giảm 675 thủ tục nhưng nhiều bộ ngành khác vẫn chưa mạnh mẽ như vậy, cho nên Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu tiếp tục cắt bớt 1/3 hay 1/2 số lượng thủ tục hiện nay mới tạo chuyển động cải cách mạnh. Mặt khác, chi tiêu công, nợ công còn ở mức cao khiến cho việc đầu tư phát triển sẽ còn phải loay hoay tháo gỡ, dư địa vay vốn đầu tư rất ít nên hạn chế doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn bảo trợ của Nhà nước.
Trong bối cảnh tình hình chung, Quảng Nam cũng đang lo việc tìm nguồn đầu tư cho các chương trình, dự án động lực khi nguồn thu ngân sách chắc chắn tụt giảm. Một nghịch lý cũng hiện hữu là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch được giao, không tiêu được tiền thì bị cắt vốn, điều chuyển vốn. Về môi trường đầu tư, lo ngại nhất là công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn vướng mắc. Câu chuyện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển và mở rộng sản xuất, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn còn nguyên tính thời sự.
Sát cánh với doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng hơn là sẽ tạo chuyển biến tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
ĐĂNG QUANG