Chuyện về một ngôi trường...
Chung quanh thông tin về việc “di dời” Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu ở thị xã Điện Bàn, đã có nhiều tờ báo đề cập.
Như báo Lao Động, số ngày 13.8 đã nêu: “Các thế hệ thầy - trò, phụ huynh học sinh của Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sáu mươi năm qua, đều yêu dấu và tự hào về ngôi trường mang tên người anh hùng chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh yêu nước của phong trào Cần vương, xứ Quảng, miền Trung. Tuy vậy, ngôi trường đang đứng trước nguy cơ xóa sổ để nhường chỗ cho công trình chỉnh trang của địa phương…”. Bài báo còn nhấn mạnh: “Ngôi trường là chứng nhân lịch sử bao cuộc đổi thay của quê hương Điện Bàn từ trong khói lửa chiến tranh đến ngày hòa bình lập lại”. Bài báo này được Website chính thức của trường Nguyễn Duy Hiệu chia sẻ.
Mới đây, trên báo Quảng Nam Cuối tuần, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cũng đã viết về ngôi trường này: “…Một ngôi trường có 60 năm lịch sử, có nhiều thế hệ thầy và trò - là những nhà khoa học có tiếng như anh em Trần Văn Thọ, Trần Văn Nam…; những văn nghệ sĩ: Lê Trọng Nguyễn, Từ Huy (nhạc), Hoàng Lộc, Cung Tích Biền… (văn); nhiều nhà giáo được đồng nghiệp quý trọng, học trò kính mến như Đỗ Toàn, Phan Duy Nhân, Ngô Sửu, Võ Đông Sanh, Đoàn Thị Nhỏ… thì hẳn nhiên đã có thể xếp vào hàng di tích ở một địa phương từng nổi tiếng là “đất học”, là “lỵ sở” của Dinh Quảng Nam vào thế kỷ 17, là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam vào thế kỷ 19 và là quê hương của những nhà yêu nước, cách mạng nổi tiếng của đất Quảng kiên cường. Nếu không có binh lửa, thời gian và cả sự thiếu sót của con người thì đất văn vật Điện Bàn đâu chỉ có chừng ấy di tích được xếp hạng. Việc “xóa sổ” một di tích văn hóa - lịch sử như ngôi trường 60 năm tuổi, dẫu giữ lại một “phòng truyền thống” cùng pho tượng danh nhân Nguyễn Duy Hiệu (do thầy Đỗ Toàn tạc) và lập bia di tích để thầy trò cũ “hành hương” về nguồn cội trường xưa, nghe sao mà thảm đạm cho cái giá của sự phát triển!...”.
Như vậy, đây không còn là “chuyện râm ran” trên mạng xã hội nữa mà đã là thông tin được báo chí và nhiều thầy giáo, cựu học sinh của ngôi trường đề cập. Đáng lẽ ra, phía lãnh đạo thị xã Điện Bàn cần có phản hồi chính thức trước công luận theo chiều hướng minh bạch các thông tin, nhất là thông tin về đô thị hóa vốn nhạy cảm hiện nay. Tiếc là, trong buổi gặp của tôi với các vị lãnh đạo thị xã Điện Bàn sáng thứ Bảy, ngày 23.9, các thông tin cần thiết như vậy vẫn chưa được quan tâm đúng mức!
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: “Chúng tôi chưa cần trả lời trước những thông tin râm ran như vậy, bởi đó mới chỉ là dư luận từ một phía. Còn việc xây dựng trường Nguyễn Duy Hiệu mới là chủ trương của tỉnh để đủ điều kiện đạt chuẩn. Tại vị trí mới trên đường trục phía tây thị xã, sau này sẽ có thêm một cây cầu nối về phía tháp Bằng An thuộc xã Điện An, chúng tôi đã quy hoạch 5ha cho ngôi trường mới. Còn ngôi trường cũ sẽ được giữ lại dãy phòng học chính, cổng trường, tượng của danh nhân Nguyễn Duy Hiệu… tất cả nằm trong một công viên - khu lưu niệm về cụ và cả ngôi trường có 60 năm tuổi này…”.
Bí thư Thị ủy Điện Bàn, ông Lê Thân sau đó cũng trao đổi với chúng tôi: “Tất cả mới chỉ là trong quy hoạch mà quy hoạch chưa công bố nên chúng tôi chưa trả lời. Khi nào công bố quy hoạch và triển khai dự án, thị xã sẽ công khai các dự án để lấy ý kiến…”.
Tuy vậy, theo một bài viết trên báo Công an Đà Nẵng, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc sở GD-ĐT Quảng Nam xác nhận: “Ngoài việc thiếu thốn cơ sở vật chất thì trường Nguyễn Duy Hiệu nằm ở ngay nút giao thông nguy hiểm, rất dễ dẫn đến tai nạn cho các em học sinh. Ngoài ra, hiện nay ở Điện Bàn chưa có trường THPT đúng chuẩn để đảm bảo quyền lợi học tập của các thế hệ học sinh. Vì vậy, việc xây dựng một ngôi trường mới với đầy đủ cơ sở vật chất là điều cần thiết và phù hợp. Hiện Điện Bàn đã dự kiến một khu đất 5ha để xây dựng trường mới. Điều trăn trở hiện nay là phải ứng xử như thế nào với ngôi trường cũ, bởi nơi đây là địa điểm lịch sử, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của Điện Bàn. Việc sẽ làm gì với khu đất của ngôi trường cũ là do địa phương quyết định” - ông Quốc cho biết.
Như vậy, tuy việc quy hoạch “chưa được công bố”, nhưng các nguồn tin đã dẫn cho thấy đây là câu chuyện đã được xác định và việc “dư luận râm ran” không phải là không có lý do!
Theo chúng tôi, tốc độ đô thị hóa từ khi Điện Bàn trở thành thị xã đang nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, khai thác quỹ đất mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống, tâm lý của người dân. Việc xây dựng Khu phố chợ Vĩnh Điện, đối diện trường Nguyễn Duy Hiệu, gần đây đã tạo ra diện mạo mới của khu vực trung tâm là mặt tích cực, nhưng khi tính di dời ngôi trường này lại dễ tạo liên tưởng rằng “xóa bỏ ngôi trường có lịch sử 60 năm ấy có liên quan gì đến chuyển giao một khu đất vàng để phát triển kinh tế, khai thác quỹ đất?” như một số ý kiến.
Với những lý do nhạy cảm ấy, chúng tôi đã trao đổi với các vị lãnh đạo thị xã Điện Bàn là họ nên làm chủ thông tin, đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ trả lời công luận theo luật báo chí nhằm mục đích “an dân”. Mà xét cho cùng, nếu thị xã Điện Bàn xây dựng được ngôi trường mới để đạt tiêu chí trường chuẩn; đồng thời xây dựng một công viên - khu lưu niệm liên quan đến danh nhân Nguyễn Duy Hiệu thì lại càng nên chủ động thông tin sớm trước công luận, để cho thấy một tầm nhìn xuyên suốt giữa lịch sử - văn hóa và tương lai phát triển của thị xã Điện Bàn.
Cần thiết thay!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG