Từ cái loa phường...

ĐĂNG QUANG 07/08/2017 08:55

Hà Nội vừa đề xuất dừng phát hàng ngày các loa phường ở 4 quận trung tâm nội thành. Câu chuyện này, thực ra bây giờ mới có ý tưởng là quá muộn. Bởi lẽ, cả người Việt lẫn người nước ngoài đến đây, đã phải chứng kiến hình ảnh rất ư nhếch nhác của cái loa phường cũ kỹ. Nó là hình ảnh đầy tính châm biếm của một cuốn sách nổi tiếng về một thời tư duy rất ấu trĩ. Người ta làm sao có thể hình dung được một quốc gia nằm hàng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dùng internet, đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử mà lại còn những cụm loa dây nhợ chằng chịt, phát oang oang như thời gọi đi nhận chế độ tem phiếu.

Không riêng Hà Nội, chúng tôi nghĩ nhiều nơi cũng cần bỏ cái loa phường được rồi. Như các quận nội thành ở thành phố lớn, và đặc biệt là các địa điểm du lịch bố trí khách trú trong phố. Cứ tìm hiểu sẽ biết, nhiều du khách nước ngoài đến đây nghỉ dưỡng, họ nghe không kịp hiểu trên cái loa nói điều gì mà chỉ tổ gây ồn, rất khó chịu. Câu chuyện ở Hội An mà chúng tôi từng chứng kiến là mới năm giờ sáng loa cứ oang oang, các vị khách nước ngoài chạy ra chỉ trỏ lên cái loa tỏ vẻ phàn nàn. Họ quen ngủ muộn khi đi du lịch, tiếng loa đã gây ồn không chịu nổi. Khách đã vậy, còn chủ nhà - là người Việt, ở các đô thị lớn bây giờ đâu thiếu phương tiện nghe nhìn mà phải thông báo qua loa. Một đất nước mà người sử dụng internet đã hơn một nửa dân số, tài khoản trên mạng xã hội hơn 31 triệu, trung bình người Việt sử dụng máy tính mỗi ngày dùng 3 tiếng để truy cập mạng, thì lẽ nào chỉ dùng loa phường để thông báo những văn bản hành chính?

Chúng ta đã có Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 14.10.2015), hay như Quảng Nam đã có Chỉ thị 05/CT- UBND (ban hành ngày 4.2.2016) của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tổ chức thực hiện việc xây dựng chính quyền điện tử. Như một khái niệm phổ quát, chính phủ/chính quyền điện tử (e-government) là việc “sử dụng internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của chính phủ tới công dân”. Nghĩa là, với chính quyền điện tử, mọi hoạt động của nhà nước được “điện tử hóa”,”mạng hóa” cả. Do vậy, đã đến lúc việc kết nối quan hệ giữa nhà nước và công dân thông qua hệ thống truyền tin là cái loa phường cũng cần được thay thế bởi ứng dụng công nghệ mới.

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, đã tiến hành xử lý các mối quan hệ, giao dịch, điều hành chủ yếu qua mạng. Một số ngành ứng dụng điện tử để xử lý dịch vụ công trực tuyến, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp với công chức - đồng thời giảm nhũng nhiễu tiêu cực. Đặc biệt, một số địa phương định hướng đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư, nên khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính người dân sẽ không phải trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ có thông tin về nhân thân mà hiện nay nhiều thủ tục hành chính vẫn yêu cầu kèm theo. Ở Quảng Nam, từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các sở ban ngành, cũng đã thiết lập các trang điện tử để công bố các văn bản điều hành, cập nhật dữ liệu địa phương, hướng dẫn các thủ tục hành chính... Tuy nhiên, việc ứng dụng, vận hành các phương tiện điện tử để thông tin các văn bản hành chính ở Quảng Nam cũng như nhiều địa phương, còn rất chậm. Chậm như các trang điện tử, thấy nhiều văn bản cập nhật rất trễ so với thời gian ban hành (nhất là cấp huyện); thông tin cũng rất sơ sài.

Từ cái loa phường đến chính phủ/chính quyền điện tử là câu chuyện dài. Và dĩ nhiên, thay đổi với ứng dụng công nghệ tin học, internet, công nghệ số chỉ là một phần trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Điều cốt lõi là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ giữa chính quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động của chính quyền trung ương và địa phương. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để các cơ quan của chính quyền từ trung ương đến địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG