Khắc khoải tháng Bảy

ĐĂNG QUANG 24/07/2017 09:06

Mỗi dịp đến ngày 27.7, trong lòng người Việt Nam lại dậy lên bao nỗi niềm, cảm xúc.

Có niềm tự hào với truyền thống đánh giặc ngoại xâm cứu nước, cứu nhà.

Có sự hồi tưởng về ký ức một thời đau thương mà anh dũng.

Có những giọt nước mắt nhớ thương về bao người đã hy sinh xen lẫn niềm day dứt vì còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, xác định được danh tính trên mộ phần.

Lại có nỗi trăn trở vì di chứng chiến tranh còn gây tê buốt vết thương đau của thương bệnh binh mỗi lúc trái gió trở trời, của những người nhiễm chất độc hóa học. Và cả những nỗi niềm của nhiều bà mẹ anh hùng còn sống nhưng đơn thân, đơn chiếc trong ngôi nhà vắng, bởi tất cả chồng con chỉ còn để lại di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công.

Với Quảng Nam, nơi mệnh danh là đất “trung dũng kiên cường”, là tỉnh có nhiều đối tượng chính sách nhất cả nước, cũng là địa phương gánh chịu nhiều nỗi đau, mất mát hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Ẩn sau những con số thống kê là thân phận đời người và vùng đất mà máu xương chất chồng, với hơn 65.400 liệt sĩ, 30.500 thương bệnh binh, hơn 11.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 5.850 người tham gia kháng chiến mà con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Gần 15 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó 914 mẹ còn sống), là biết bao câu chuyện về sự hy sinh.

Chính vì số đối tượng chính sách quá đông nên việc chăm lo đền ơn đáp nghĩa, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, là “Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo; vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để hưởng chế độ và đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này đang để lại nỗi đau thương khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta”.

Chỉ với góc nhìn ở Quảng Nam đã vậy, rộng ra cả nước thì nỗi khắc khoải còn lớn biết bao!

Tháng Bảy, nhiều câu chuyện về ký ức đau thương vẫn chưa thể nguôi ngoai, nhất là việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hơn 40 năm sau hòa bình mà ngay ở TP. Hồ Chí Minh, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thông tin về mộ tập thể của hàng trăm liệt sĩ hy sinh trong Tết Mậu Thân (1968) đã xới lên một cuộc tìm kiếm kỳ công. Gần hơn là nhiều liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Tây Nam và biên giới phía Bắc, kể cả những người đã ngã xuống trên các hòn đảo ở Biển Đông, vẫn chưa tìm được hài cốt. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam dẫn ra con số thật day dứt: hiện còn khoảng hơn 200.000 mộ liệt sĩ chưa được quy tập, khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin (có bia ghi “liệt sĩ chưa biết tên”).

Chiến tranh, nhìn từ phía nào vẫn là điều ám ảnh với những tổn thất nặng nề không dễ gì khắc phục. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara, với cuốn sách “Hồi tưởng: Bi kịch và những bài học Việt Nam” (Robert McNamara, “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, Vintage books, 1995) đã nhận sai lầm vì xô đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tàn khốc, không chỉ đem lại thương vong và tổn thất to lớn cho nước Mỹ, mà còn tàn phá Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”, khó tái thiết sau chiến tranh. Vậy mà sai lầm đó vẫn có nguy cơ lặp lại với những kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu” mang mộng bành trướng và cả bọn khủng bố đang đe dọa nền hòa bình nhân loại. Và cũng vì những toan tính ngông cuồng dẫn đến sai lầm tương tự khiến cho các cuộc xung đột vẫn xảy ra đây đó trên thế giới; Biển Đông vẫn rập rình nguy cơ mất ổn định. Vì vậy, từ những hoạt động của dân tộc Việt Nam vào mỗi dịp  tháng Bảy, như một sự nhắc nhớ bài học đau thương vì chiến tranh, không của riêng ai. Nếu ai đó hiểu câu chuyện về nỗi đau, khắc khoải của người Việt Nam suốt nhiều năm sau các cuộc chiến tranh mới thấy sự quý giá của hòa bình.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG