Làm báo kiểu mới
Nghề báo đang đứng trước nguy cơ hiện hữu là bị mạng xã hội qua mặt. Chuyện gì đang xảy ra và vì sao như thế?
Nhiều tờ báo in sụt giảm số lượng phát hành rất lớn.
Nhiều tờ báo điện tử cũng không cạnh tranh nổi với các trang tin tổng hợp hay blog, facebook cá nhân, bị sụt giảm doanh thu quảng cáo.
Hậu quả là có tờ đã đóng cửa.
Một trong những nguyên nhân được các nhà nghiên cứu chỉ ra là vì sự thay đổi của công nghệ truyền thông. Bằng sự trợ giúp đắc lực của các công cụ kỹ thuật số như máy tính bảng, điện thoại thông minh, camera siêu nhỏ... dường như ai cũng có thể “làm báo” nếu muốn chụp hình, quay phim đưa lên internet.
Sự ra đời của mạng xã hội đã tạo ra thách thức ghê gớm với nghề báo. Lấy ví dụ ở Việt Nam, với khoảng 40 triệu tài khoản facebook, chỉ cần 1% trong số đó xuất hiện với tư cách “người đưa tin” ở mọi lúc mọi nơi thì đã gấp hơn 2 lần lượng nhà báo có thẻ (khoảng 18 ngàn người) hiện nay. So với khối thông tin đồ sộ trên các mạng xã hội khó có tờ báo nào, nhất là báo in, có thể sánh kịp, nhất là về độ nhanh nhạy. Và, không tòa soạn báo nào đủ nhân lực có thể nắm bắt toàn bộ diễn biến mới ở khắp nơi trong nước hay trên thế giới. Mỗi tài khoản facebook trở thành một “tòa soạn” và mỗi người dùng facebook đều trở thành một nhà báo công dân. Mạng xã hội và các nhà báo công dân chính là thách thức với báo chí chuyên nghiệp về cạnh tranh thông tin. Bởi, như nhà báo Mike Martinez của Hãng tin CNN nói, “không một nhà báo nào có thể có mặt tại hiện trường nhanh bằng chính những người dân tại đó với chiếc điện thoại có khả năng quay phim và kết nối internet trong tay”. Cũng vì thế, khẩu hiệu của hãng CNN trước đây “Be the first to know” (người đầu tiên biết chuyện) đã phải thay đổi. Người đầu tiên chứng kiến sự việc chưa chắc đã là nhà báo, mà là người dân thường sống ở khắp nơi.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, ai cũng thể đưa tin “làm báo”, thì nhà báo chuyên nghiệp có cần nữa không? Vẫn cần, nhưng phải thay đổi cách làm nghề, theo cấu trúc tòa soạn khác, kiểu thông tin khác. Đó phải là một tòa soạn tích hợp đa phương tiện, độ tương tác cao với bạn đọc, cộng tác viên. Đó là quan niệm về nhà báo và nghề báo thay đổi theo hướng thông minh, trí tuệ hơn. Như nhà nghiên cứu và là nhà báo kỳ cựu Mitchell Stephens định nghĩa: “Báo chí là hoạt động thu thập, trình bày, diễn giải hoặc bình luận về tin tức cho một bộ phận công chúng” ”(Hơn cả tin tức). Chính vì ai cũng có thể đưa tin tức và hình ảnh lên mạng nên cần những nhà báo chuyên nghiệp - với sự chính danh, được tiếp cận nguồn tin chính thống, kiểm chứng và dẫn dắt thông tin bằng bình luận có trí tuệ, soi sáng góc nhìn độc đáo, thông minh nhất.
Cái công thức 5W +1H (What, When, Where, Who, Why + How: Cái gì, khi nào, ở đâu, ai, tại sao + như thế nào) mà các trường báo chí, các thế hệ nhà báo đã áp dụng, giờ đây phải thay đổi. Dường như nhà báo công dân đã làm giùm cho 4 W (Ai - Cái gì - Ở đâu - Khi nào) đó rồi. Chỉ còn vấn đề như thế nào và tại sao cần nhà báo chuyên nghiệp giải thích, bình luận với góc nhìn thông minh, đúng đắn nhất. Hơn thế nữa, nhà báo chuyên nghiệp phải bổ sung thêm 5 I (Interpretive: diễn giải; Informed: thông tin được xác minh; Intelligent: trí tuệ; Interesting: thú vị; Insightful: thấu hiểu).
Nói làm báo kiểu mới là như vậy. Câu chuyện đó đặt ra cho những nhà báo nhân dịp hướng về ngày kỷ niệm truyền thống báo chí, là khát khao thay đổi.
ĐĂNG QUANG