Trở lại câu chuyện lụa

ĐĂNG QUANG 12/06/2017 08:44

Hôm nay, 12.6, Festival Tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam - Thế giới 2017” khai mạc. Có thể xem đây là một điểm nhấn ấn tượng trong mùa Festival Di sản Quảng Nam năm nay. Bởi câu chuyện về lụa từ truyền thống đến hiện đại, những kiến giải về con đường tơ lụa trên biển gắn với các thương cảng miền Trung sẽ gợi mở những góc nhìn văn hóa và cả kinh tế nữa.

Còn nhớ năm ngoái Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã thu hút hơn 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia. Năm nay câu chuyện tơ lụa mở rộng thêm, không chỉ châu Á mà cả thế giới. Vì thế sẽ có sự góp mặt của đại diện Hiệp hội tơ lụa thế giới, Hiệp hội tơ lụa châu Á, Hiệp hội tơ lụa một số quốc gia (Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Ý, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Brazin…) và 16 làng nghề dệt ở Việt Nam.  Dĩ nhiên, những “chiếc nôi” tơ lụa như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam... sẽ là chủ đạo của một “đêm lụa phương Đông”, dự cảm sẽ đem đến nhiều điều thú vị.

Dậy lên những cảm xúc đẹp về hồi ức lụa. Hẳn rồi. Với trải nghiệm Làng Lụa Hội An, khách sẽ quan chiêm cách nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa truyền thống của xứ Quảng. Khách sẽ tận mắt một vườn dâu, có cây hàng trăm năm tuổi, trong đó đặc biệt là giống dâu của người Chàm để lại với cách nuôi tằm ăn lá trực tiếp. Bên cạnh đó, bên những khung cửi, xa quay, tơ vàng… giăng mắc, có chuyện nhắc về người có công lớn với ngành dệt xứ Quảng là cụ Cửu Diễn (Võ Dẫn, 1897 – 1975, quê làng Thi Lai, Duy Xuyên). Một không gian tâm linh sẽ đưa người về với lụa trong truyền thuyết, vọng tưởng Bà Chúa Tằm tang và câu ca xưa đẫm đầy sóng nước tình yêu, phận người.

Và trong miền nhớ, hồi cố lịch sử tơ lụa không thể nào không nhắc về sự tài hoa của cha ông mà Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên tạp lục: “Tổ xa đời của họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam học dệt của người bắc Khách, đời truyền nghề cho nhau. Các mặt hàng vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo…”. So lụa Việt với lụa Tàu, người Quảng có thể tự hào về một thuở “người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the đoạn, lụa là, hoa hòe chẳng kém gì hàng Quảng Đông”. Từ đó, mới hình thành con đường hàng hóa mà thương cảng quốc tế Hội An đã lưu dấu trong ký thuật của các giáo sĩ phương Tây, rằng hàng tơ lụa từ Hội An được xuất đi ngoại quốc rất nhiều nhờ đặc tính riêng có của hàng lụa Đàng Trong so với Đàng Ngoài và khác lụa Tàu. Hoặc như sử từng ghi sự kiện năm 1632, hai tàu Nhật từng đem 300 nghìn lạng bạc đến Hội An để mua hàng hóa, và hàng năm người Nhật mang khoảng 4 - 5 triệu nén bạc đến đây mua lụa.

Điều chúng ta sẽ phải trăn trở là con đường tương lại của lụa, của những làng lụa Quảng Nam và Việt Nam. Quá khứ đã từng vinh danh bao nhiêu làng tơ lụa gắn với tâm hồn và  kế mưu sinh của người Việt. Ngay như người Quảng đã từng có Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên, Hà Mật, Bảo An... nhưng bây giờ nghề ươm tơ dệt lụa đã quá nhiều mai một. Đâu rồi bóng dáng ngôi chợ sôi động thời xưa như ký ức của một người con Gò Nổi đã viết: “Mỗi buổi sáng, trong Đình Thị - gian chính trong chợ Bảo An - là nơi diễn ra việc mua bán vải cây. Vải cây tức là loại vải ta khổ hẹp do các gia đình dệt ra, cuốn lại thành cây… Người ta mua loại vải này chở đi tiêu thụ các nơi như Huế, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Sài Gòn…” (Phan Thị Miều - Nhớ và ghi lại việc buôn bán ở làng Bảo An xưa). Cũng đã vắng bến Đò Tơ, Mã Châu nổi tiếng sầm uất nối xuống cảng Trà Nhiêu để cung cấp rất nhiều tơ lụa cho các thương nhân nước ngoài đưa đi khắp nơi. Làm sao để làng nghề dâu tằm, ươm tơ dệt lụa được hồi sinh? Đó là câu hỏi lớn.

Đã vắng nhiều tiếng thoi đưa, nên không chỉ mãi đẫm mình trong ký ức mà cần hướng về tương lai. Đó là cả một hành trình. Do vậy, sự kết nối từ Làng Lụa Hội An có ý nghĩa đặc biệt để mở ra không gian văn hóa, nhìn thấu giá trị của tơ lụa. Không chỉ là truyền thống mà còn mở cánh cửa vào đời sống hiện đại, vào dòng sản phẩm cao cấp từ lụa. Làm thế nào để con dân Quảng Nam theo bước tiền nhân đưa ngành ươm tơ dệt lụa phát triển rực rỡ như ở phương nam một thời. (Như Sài Gòn từng lừng danh với  làng dệt Bảy Hiền, ghi dấu các cơ sở của Hồ Viết Thanh (Chín Viết), Hồ Non (khoảng 1956-1957), Huỳnh Đắc Thi, Lê Hoành, Võ Lẫm, Võ Đảo, Phan Thanh Quang, Hồ Trung, Hồ Thơ, Hai Trúc, Ba Ngàn... (khoảng 1958-1959), và từng có nhà hồ sợi “Quảng Nam Hưng” nổi tiếng). Đâu đây vẫn còn nguyên một mong đợi tìm sợi tơ cho ngành lụa phát triển, như cách  mà ông Li Jilin - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới phát biểu trong Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016, là cần tổ chức nhiều sự kiện để làm nổi bật tính văn hóa trong sản phẩm tơ lụa, làm cho các nhà sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ tinh thần cho những sáng tạo không mệt mỏi của họ.

Lụa, không chỉ làm đẹp cho giai nhân, “bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Lụa còn có và cần làm đẹp cho những miền quê lụa, sinh ra lụa, sống được với lụa...

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG