Lên hạng, dễ hay khó?

ĐĂNG QUANG 29/05/2017 08:30

Trong ước vọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng với việc tái cơ cấu nền kinh tế, câu chuyện về khởi sự doanh nghiệp được đặt ra. Doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (R&D) nhằm tăng năng suất sản xuất. Đó là mục tiêu dài hạn, còn trước mắt việc tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp ra đời và hoạt động hiệu quả cần được tính đến. Bàn chuyện này là đụng ngay đến vấn đề về kinh tế tư nhân. Bởi, doanh nghiệp nhà nước đang định hướng phải sắp xếp lại, cổ phần hóa, thu hẹp trong một số ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm mà thôi; còn doanh nghiệp tư nhân thì được khuyến khích thành lập mới, nâng quy mô và phạm vi hoạt động.

Cho đến nay, bức tranh kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn còn mảng màu lớn là kinh tế hộ kinh doanh cá thể. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Rất nhiều khuyến cáo nên tạo điều kiện cho hộ kinh doanh chuyển lên loại hình doanh nghiệp, tức “lên hạng” để tạo sinh thái khởi nghiệp mới của kinh tế tư nhân. Và mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam có được khoảng 1 triệu doanh nghiệp (hiện nay gần 600 ngàn). Các tỉnh thành cũng đang cổ xúy cho trào lưu chuyển đổi này, như Quảng Nam, ước vọng có 1 ngàn doanh nghiệp mới thành lập trong năm nay. Trong thư điện tử gửi tác giả bài viết, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định chủ trương của Quảng Nam là vận động trong 700 chi nhánh văn phòng đại diện doanh nghiệp cùng khoảng 32 ngàn hộ kinh doanh cá thể chuyển qua loại hình doanh nghiệp.

Nếu dựa trên tiềm năng để chuyển đổi thành lập doanh nghiệp, các con số trên dễ dẫn đến cái nhìn lạc quan. Tuy vậy, khát vọng và ý chí của chính phủ và của chính quyền các tỉnh là một chuyện. Quan trọng là việc thành lập doanh nghiệp mới, hay chuyển đổi, “lên hạng” của hộ kinh doanh qua doanh nghiệp phụ thuộc vào chính chủ nhân của thành phần kinh tế này. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy,  tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng ba năm tới đạt tỷ lệ chỉ 24%, thấp so với mức trung bình gần 45% ở các nước trong giai đoạn phát triển như Việt Nam. Chính phủ đã ra nhiều văn bản, nghị quyết nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và đã có khoảng 110 ngàn doanh nghiệp thành lập mới vào năm ngoái, gần 40 ngàn doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm nay, nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng khá nhiều với hơn 31 ngàn doanh nghiệp bốn tháng đầu năm nay, hơn 60 ngàn doanh nghiệp trong năm ngoái. Như một phân tích, làm ăn thua lỗ (trong đó do không nắm bắt nhu cầu thị trường chiếm gần một nửa) là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Rõ ràng, trong bối cảnh như vậy việc “lên hạng” với hộ chuyển qua doanh nghiệp hay nâng doanh nghiệp siêu nhỏ lên quy mô vừa và nhỏ là không dễ dàng.

Khuyến khích chuyển từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là hướng đi đúng. Muốn làm được điều đó phải nhận diện loại hình kinh tế hộ trên cơ sở khảo sát, phân tích những ưu điểm và hạn chế trong hoạt động. Với quy định hiện hành, so với việc thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị hạn chế khá nhiều, như quyền kinh doanh - chỉ kinh doanh tại một địa điểm, hay hạn chế huy động vốn, số lượng lao động… Tuy nhiên, hộ kinh doanh đang có “lợi thế hơn” doanh nghiệp về chi phí kinh doanh. Cụ thể, hộ kinh doanh được giảm 50% lệ phí thành lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản hơn. Hộ kinh doanh được linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế cho phù hợp với hoạt động của mình… Như vậy, chính quyền phải làm thế nào để tạo môi trường thuận lợi cho hộ chuyển qua doanh nghiệp được hưởng cơ chế tốt hơn, giảm chi phí, thủ tục giản tiện hơn. Tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp (qua việc thanh tra, kiểm toán, thủ tục thuế, vòi vĩnh chi phí không chính thức) phải chấm dứt thì mới có hiệu ứng tạo đà cho việc chuyển đổi.

Để có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mục tiêu ước vọng là không dễ. Để hộ kinh doanh “lên hạng”, chuyển đổi qua doanh nghiệp, hay doanh nghiệp nhỏ lên vừa, vừa lên lớn, là cả quá trình càng khó hơn. Muốn hiệu quả thực chất, quá trình ấy phụ thuộc vào việc cải cách thể chế chính sách, xúc tiến xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, kích hoạt nhu cầu thị trường, tạo thương hiệu sản phẩm...

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG