Sính ngoại, chết nội
Về quê, nghe mấy chuyện của bà con nông dân không biết nên vui hay nên buồn.
Không có gì lạ, vẫn là chuyện giá nông sản thực phẩm bấp bênh, nhưng dư vị lại “thêm mắm thêm muối” dở khóc dở cười.
Ví như con bò, con trâu bán thịt lát thì đắt, nhưng để nguyên con lại rất rẻ. Bằng chứng là bây giờ ra chợ mua, hay đi ăn nhà hàng kêu dĩa bò tái, tô xáo nghé thì giá cũng ngất ngưởng như mọi khi. Cho nên năm ba người cứ rủ nhau mua con bê chừng mươi lăm ký với giá vài triệu bạc để xẻ thịt, phần bộ lòng thì hú hí nhậu xổi, còn thịt chia nhau về cất ăn cả tuần chán không hết. Vì thế mấy cậu trai trẻ mới cãi ông già, rằng cái ý “mua trâu con bán thịt lát” đã biến thái nhiều nghĩa rồi. Nếu vốn bỏ ra lớn mà thu lại chậm thì thà đừng làm. Cứ vậy mua nguyên con mà ăn, tự cung tự cấp, rẻ rề. Phải chăng vì vậy mà hiện tại đã giảm mặn mà với chăn nuôi, hoặc nuôi con bò con trâu cũng như của tiết kiệm mà thôi?
Chuyện ở làng rộng ra quốc gia đại sự thấy cũng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Chăn nuôi trồng trọt vẫn còn bí bách ở nhiều nơi vì khó xác định con gì, cây gì là chủ lực. Chọn con heo làm đối tượng nuôi phổ biến nên tổng đàn lên tới khoảng 29 triệu con, tiêu thụ trong nước không hết mà xuất khẩu thì gặp khó. Trong khi đó nông sản thực phẩm nước ngoài xâm nhập thị trường càng mạnh, khiến hàng nông sản nội có nguy cơ bị đè bẹp. Tâm lý sính hàng ngoại đã góp phần làm cho tốc độ nhập khẩu nhanh chóng mặt. Đây nhé, theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn (heo) các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD; tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ (cả năm ngoái nhập 39.400 tấn thịt heo, với trị giá 44 triệu USD). Đáng nói hơn, thịt heo ngoại nhập vào Việt Nam với giá rất rẻ, trung bình chỉ 27.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo thịt thành phẩm trong nước phổ biến 60.000 - 80.000 đồng/kg. Vậy làm sao con heo Việt Nam có thể cạnh tranh với heo ngoại? Nhiều người chăn nuôi điêu đứng là phải.
Sau heo là bò và các loại thịt khác. Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Một nguồn thông tin từ báo chí cho biết, giá bán thịt bắp bò nhập từ Brazil có giá mua nguyên thùng 20kg là 145.000 đồng/kg, gầu bò và nạm bò đồng giá 130.000 đồng/kg...Còn trên facebook, một cửa hàng chuyên cung cấp thịt nhập khẩu ở Đống Đa (Hà Nội) quảng cáo đủ loại thịt nhập khẩu được bán với giá rất rẻ, riêng thịt bò nhập khẩu từ Brazil cũng chỉ bán với giá 170.000 đồng/kg.
Hết thịt tới hoa quả, số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết, qua 3 tháng đầu năm Việt Nam đã chi 171 triệu USD (gần 4.000 tỷ đồng) để nhập hoa quả ngoại từ các nước như Mỹ, Australia, New Zealand… tăng gần 52% so với cùng kỳ 2016.
Chưa biết vì sao mà hàng nông sản ngoại nhập về mà bán rẻ, chỉ mới kể về lượng đã thấy khó khăn cạnh tranh cho nông sản Việt đã lộ rõ. Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt có cơ chìm ngập trong cái “chợ trời” ngày càng rộng thênh. Đã thế cái tâm lý sính hàng ngoại chưa thôi, còn hàng trong nước thì dìm giá dìm hàng nhau. Một món hàng đặc sản nào mới nổi lên thì y như rằng không lâu sẽ bị nhái, “chế”, đưa ra giá rẻ hơn khiến hàng chính hiệu cũng ế theo. Ví như cái món gà Đèo Le có tiếng của đất Quế Sơn, bê thui Cầu Mống (Quảng Nam)... chẳng mấy chốc tràn lan các hàng quán khắp tỉnh, khắp nước. Xin thưa, con gà, con bê ở đất đó, lượng chỉ giới hạn, với đặc trưng chăn nuôi và chế biến thủ công, lấy đâu ra đủ hàng cung cấp cho mọi nơi mọi lúc. Hậu quả của cuộc nhái nhãn hiệu này là làm cho người ta chẳng còn phân biệt đâu là thực giả, ngon dở, còn giá cả thì lung tung, bát nháo...
ĐĂNG QUANG