Vái tứ phương...

ĐĂNG QUANG 27/02/2017 09:27

“Có bệnh thì vái tứ phương”, đó là câu chuyện một thời chưa xa.

Thời ấy chính là thời bao cấp. Cả huyện mới có cái bệnh viện. Huyện miền núi, vùng sâu vùng xa đôi khi chỉ có bệnh viện dã chiến, hoặc là trạm y tế chỉ chữa các bệnh thông thường đơn giản. Ở các làng xã xóm thôn đèn dầu leo lắt, người giúp bà con nghèo nhiều nhất là các thầy làm thuốc Nam hoặc bốc thuốc Đông y. Rất ít người đi học Tây y tới bác sĩ, phần lớn vẫn là y tá, khá hơn thì ra y sĩ. Chính vì cơ sở và người làm nghề chữa bệnh ít ỏi như thế nên khi đau ốm gì thì “vái tứ phương” để tìm thầy, tìm chỗ chạy chữa. Còn nhớ ba tôi là một thầy thuốc, gần như cả làng đều cậy nhờ khi có bệnh. Cảm cúm, ho, đau mắt hột, đau bụng, sài đẹn, trúng gió... ba tôi đều có thể chữa khỏi mà không cần tiền thù lao, vì chủ yếu dùng cây thuốc nam, châm cứu, chích lể... Chỉ khi phải đi cắt thuốc Bắc ở tiệm ông mới lấy lại tiền thuốc mà thôi. Nhưng đến khi cha ngã bệnh thì anh em chúng tôi quýnh quáng, vì bệnh nặng, cũng chỉ biết “vái tứ phương” từ thầy thuốc Bắc ở Hội An, Non Nước, rồi Tây y, Đông y đủ cả vẫn không cứu chữa được.  

Hơn 20 năm trôi qua, điều kiện y tế đã được cải thiện khá nhiều. Như ở Quảng Nam, đến nay đã có khoảng 6.320 cán bộ y tế, trong đó có 731 bác sĩ, số lượng gấp 2 lần so với năm tái lập tỉnh (1997); đặc biệt có hơn 100 bác sĩ là người dân tộc thiểu số. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở đã phủ hầu khắp. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn có các bệnh viện khu vực, các bệnh viện chuyên khoa (Lao - Bệnh phổi, Nhi, Tâm thần), Bệnh viện Y học dân tộc. Ở tuyến huyện có 5 bệnh viện đa khoa quy mô, 5 phòng khám đa khoa tư nhân, 165 phòng khám tư nhân lĩnh vực Tây y và gần 160 phòng chẩn trị y học cổ truyền, cấp xã có 244 trạm y tế. Cơ sở khám chữa bệnh và trang thiết bị hiện đại hơn thì chắc rồi. Dịch bệnh được khống chế tốt hơn cũng đã rõ. Cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Như tin vui ngay sau tết, đã có 24 xã phường, thị trấn ở 14 huyện thị được công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2016.

Với những thành tựu nói trên, nói vui là vì không đến nỗi phải đỏ mắt đi tìm thầy thuốc, tìm cơ sở y tế để chữa bệnh. Bây giờ người bệnh lại có thêm chính sách bảo hiểm y tế cũng đỡ vất vả. Song câu chuyện “vái tứ phương” khi bị bệnh liệu đã chấm dứt, sẽ không còn tái diễn? Làm chi có sự hoàn hảo. Cuộc sống tiến lên, phát triển nhưng những căn bệnh cũng nảy sinh theo môi trường sống phức tạp. Những ca ngộ độc, các dịch bệnh lạ, những loài vi rút, vi khuẩn mới, vô số mầm mống ung thư tiềm ẩn giăng bẫy... làm cho y học vẫn phải theo đuổi nghiên cứu mướt mồ hôi. Ngay cả thuốc men được phát minh mới rất nhiều nhưng cũng không thể chữa kịp những căn bệnh nan y bùng phát, hay nói như Elbert Hubbard “điều tồi tệ nhất về thuốc men là loại này khiến ta lại phải cần loại khác”. Cho nên ta thấy các cơ sở y tế, đặc biệt là những bệnh viện danh tiếng, luôn ắp đầy người bệnh. Còn nhiều người vạ vật đi từ nam chí bắc, “vái tứ phương” để tìm thầy tốt, thuốc tốt; thậm chí nhiều người phải ra nước ngoài chữa bệnh vì nghĩ điều kiện y tế tốt hơn. Nhưng thách thức cho nghề y nói riêng, cho việc phòng bệnh và chữa bệnh hiệu quả đối với người dân nghèo khổ vẫn đang là câu chuyện chưa hồi kết. Vì thế những tiêu chí đạt được trong điều kiện chăm sóc y tế không đứng yên một chỗ, mà đạt được bước này sẽ phải bước tiếp nữa.

Ôi cái nghề “công bố quá khứ, chẩn đoán hiện tại, đoán trước tương lai” như ông tổ ngành y hiện đại Hippocrates nói, có bao giờ đến điểm dừng để người bệnh không còn phải “vái tứ phương”. Chỉ mong rằng, những người thầy thuốc,  thực hành được lời dặn của danh y Hải Thượng Lãn Ông, rằng: “Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau”...  Và, “nhà giàu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG