Vuông - tròn, khô - ướt...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/01/2017 05:39

Tết đã về ngang cửa. Cuối tuần này ông Táo đã lên thiên đình bẩm báo chuyện nhân gian. Chắc ông lại tâu với Ngọc Hoàng bao chuyện âm - dương, vuông - tròn, khô - ướt... hiện hữu trong một năm đầy biến động.

Sấp ngửa âm - dương vốn là hai mặt chuyện đời trắng/đen, được/mất, tốt/xấu... Năm nào cũng vậy chứ riêng gì năm qua? Có điều nhận thấy mặt được để thêm niềm vui đón xuân mới. Như chuyện túi tiền quốc gia đến phút 90 chốt sổ lại loan tin thu vượt dự toán hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Quảng Nam cũng vui vì sắp tròn 20 năm tái lập tỉnh đã đạt kỷ lục mới với hơn 20,2 nghìn tỷ đồng thu ngân sách. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ thủ tục đầu tư, không khí khởi nghiệp mới trỗi dậy với sự ra đời của trăm ngàn doanh nghiệp. Ở Quảng Nam, mới đây, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) và Công ty LS Mtron (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác sản xuất và phân phối máy nông nghiệp. Đây là ngành nghề mới của Thaco, mà theo đó, giai đoạn 1, Công ty LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Thaco xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị các loại sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa 50%, đồng thời cho phép Thaco phân phối độc quyền tại Việt Nam dưới thương hiệu Thaco từ tháng 10.2017. Vào giai đoạn 2, liên doanh này sẽ mở rộng  sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới.

Vui thế, nhưng bình tĩnh điểm lại  năm qua cũng không ít rủi ro trong làm ăn, sinh hoạt, tiết trời mỗi ngày một bất thường, môi trường ô nhiễm cá chết, lụt lội, nắng mưa không theo quy luật... Bao nỗi vuông - tròn trong bổ nhiệm nhân sự. Bao sự khô - ướt trong cảnh hạn hán, mưa dầm, triều cường, nước ngập, biển lở, non mòn. Cần thức nhận vậy để mà tìm cách mà thích ứng hay khắc chế.

Tưởng không quan hệ gì với vui buồn ấm lạnh trong làm ăn, sinh hoạt, nhưng hai phần âm dương của tờ lịch lại thành chuyện bàn cãi. Người phương Tây thường ăn tết dương lịch. Còn Việt Nam mình, giờ ăn cả hai tết, quen gọi nôm na là Tết Tây (dương lịch) rồi Tết Ta (Tết Nguyên đán). Vì thế, mấy năm gần đây, dư luận dấy lên tranh luận về việc có nên gộp Tết Tây và Tết Nguyên đán làm một hay không. Nhiều người đề xuất bỏ Tết Ta, chỉ ăn Tết Tây cho… quốc tế hóa, hội nhập quốc tế luôn thể và thuận lợi cho công chuyện làm ăn, bởi đất nước nghèo mà nghỉ nhiều quá thì càng tụt hậu. Nghe cũng có lý (?!), nhưng “trường phái” bảo vệ Tết Ta cũng “phản pháo”, rằng nghèo hay giàu có quan trọng gì, chỉ cần tâm hồn thanh thản là được, người ta được nghỉ nhiều mà cuộc sống vẫn ổn, vẫn hạnh phúc thì có sao đâu.

Đại khái, âm dương trên tờ lịch cũng như chuyện... mặt trời, mặt trăng. Người viết nghĩ việc chọn ăn tết như thế nào cũng theo tình lý con người, “cãi” nhau mà làm gì? Ở Quảng, như Hội An, Tết Tây, Tết Ta cũng đều có thú vị riêng. Ai về Hội An thì biết ngày Tết Tây là dịp đón khách du lịch. Có năm lễ hội đường phố kéo dài bất tận với dòng người đủ các quốc tịch, hát và khiêu vũ với giai điệu “Happy new year”. Tết Tây vừa chơi mà vừa làm du lịch, bà con mình thu khá nhờ bán được lồng đèn, giải khát cà phê, phục vụ khách Tây đi bar qua đêm... Còn vào Tết Ta, đường phố Hội An lại thoảng hương trầm, tĩnh lặng đến lạ, như một cõi bình yên thẳm sâu nét hồn quê xứ con người. Với người Hội An, người Quảng Nam, Tết Nguyên đán là tết ông bà, cũng từ ý niệm tâm linh ấy, là dịp để gột rửa bụi trần, nên lấy lẽ thực dụng mà bàn thì khó rốt ráo. Tôi chỉ biết nhiều cái tết ở xứ Quảng đậm hương hoài niệm với tâm thức tìm về cội nguồn. Bởi vậy, bao năm rồi, đến giao thừa, những đứa con xa xứ lại dậy nỗi niềm: “Giao thừa khép cuộc rong chơi/về quỳ lạy mẹ giữa trời quê hương” (thơ Nguyễn Ngọc Chương). Ai đi qua xứ Quảng trong những ngày Tết Ta, sẽ thấy những nghĩa trang luôn nghi ngút khói hương; những bàn thờ gia tiên xanh ngũ quả; những con đường có hội chơi xuân, hội bài chòi, lô tô... Nhớ, về một khách Tây như bà Barbara, người Thụy Điển, nhiều lần qua Hội An ăn tết. Barbara bảo ở một nước Bắc Âu như quê hương bà chỉ ăn tết dương lịch, tuần nghỉ tết kéo dài đến lễ Ba Vua (6.1), nhưng kỳ nghỉ (holiday) vẫn không mang ý vị như “Tet holiday” của người Việt.

Bàn cái sự âm dương, vuông - tròn, khô - ướt... trên số báo tất niên của Quảng Nam cuối tuần, e bao giờ cho hết? Thôi thì lấy cái nhìn của người Quảng mà “hỗn dung”, “tiếp biến” văn hóa. Từ bánh chưng (vuông) mà biến hóa ra bánh tét (tròn), từ lá mì (ướt) mà biến thành bánh tráng (khô)... Đó là tùy nghi, tùy biến và tùy hỉ, rứa hỉ!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM