Tự làm ăn

ĐĂNG QUANG 09/01/2017 09:14

Mẹ Việt Nam có 63 đứa con là các tỉnh thành. Bao nhiêu năm hòa bình trôi qua, bây giờ đã có mấy đứa con trưởng thành tự làm ăn được? Đặt ra câu hỏi này là để nói chuyện, muốn quốc gia khởi nghiệp với hành trình phát triển mới, thì ít ra các địa phương phải tự làm ăn và có dư để đóng góp cho ngân sách trung ương.

Câu chuyện Quảng Nam góp mặt vào câu lạc bộ các tỉnh thành có hơn 20 ngàn tỷ đồng thu ngân sách, lọt vào top 16 tỉnh thành điều tiết ngân sách về trung ương, là sự kiện đầy ý nghĩa sau 20 năm tái lập tỉnh. Trong khi đó, Bắc Kạn cũng tách ra cùng thời điểm nhưng đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn tương tự và trung ương còn trợ cấp rất nhiều. Số thu ngân sách một năm của Bắc Kạn chừng 600 tỷ đồng, “chưa bằng số thu 1 ngày của TP. Hồ Chí Minh” như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng so sánh. Dĩ nhiên, mọi so sánh đều khập khiểng, bởi ngân sách của chúng ta là ngân sách thống nhất, 63 tỉnh thành có đặc điểm địa lý, dân số, hạ tầng kinh tế xã hội khác nhau nên mức thu rất khác nhau. Nhưng nếu so sánh thì sẽ thấy sự chênh lệch rất lớn, trong khi 16 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước; TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội phải gánh tới 50%. Trung ương và những “anh cả” phải san sẻ, sẽ còn phải “nuôi” dài dài quá nhiều tỉnh thành, trong đó, khu vực miền núi phía bắc và Thanh Hóa đứng đầu bảng nhận trợ cấp.

Trở lại cái “lõi” của vùng kinh tế động lực miền Trung, hiện nay Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đều lọt vào danh sách địa phương thu khá, điều tiết về trung ương. Tuy nhiên, sức bật kinh tế từ liên kết vùng vẫn còn yếu do các địa phương lân cận nội lực kinh tế chưa mạnh. Sát cạnh là Tây Nguyên, 5 tỉnh không có tỉnh nào lọt vào danh sách điều tiết ngân sách về trung ương.

Với Quảng Nam, năm 2017 sẽ là một năm nhiều thử thách với bài toán cân đối tài chính ngân sách. Làm ra 10 đồng, được tiêu 8, 9 đồng, còn điều tiết về trung ương. Nghĩa là phải biết tự làm ăn, tự sống được như đứa con đã trưởng thành. Điều lo lắng là Quảng Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ Thaco, chiếm khoảng hơn 50% số thu ngân sách. Vì thế, mọi biểu hiện “nhức đầu sổ mũi” của Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải đều có thể gây ảnh hưởng lớn. Một mặt, tỉnh cần phải hỗ trợ Thaco nhiều hơn nữa để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, mặt khác phải tìm nguồn thu mới. Cái mới ở đâu ra? Ngành nghề mới, nhà máy mới, doanh nghiệp mới, dịch vụ mới... những cái mới đó chỉ có được khi môi trường đầu tư được “kiến tạo” rộng mở với sự hấp dẫn, thông thoáng. Việc xúc tiến nhanh các dự án trọng điểm vùng đông nam sẽ là yếu tố có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế Quảng Nam trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, việc đặt chỉ tiêu có thêm 1.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017, là để mở cánh cửa cho khởi nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp làm ăn được thì tỉnh mới có nguồn thu, mới tự cân đối được tài chính ngân sách và đầu tư phát triển.

Con có trưởng thành, làm ăn được mới san sẻ cho anh em gia đình, nuôi mẹ, nuôi cha. Con đông nhưng nhà nghèo thì khó mà tạo được đột phá về kinh tế, đầu tư làm ăn! Câu chuyện ấy khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tục phải thúc giục lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cải cách, đổi mới về tư duy, lề lối làm việc nhằm tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng. Những tờ báo xuân phát hành năm nay cũng hướng đến các chủ đề về câu chuyện khởi nghiệp, kiến tạo, về chính quyền phục vụ và hành động. Đó không chỉ là lời hiệu triệu đơn thuần mà là câu chuyện liên quan đến bát cơm manh áo của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp...

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG