Cả làng uống nước lã

ĐĂNG QUANG 14/11/2016 08:53

Đầu tiên là chuyện ba ông tiên rủ nhau góp rượu vào một hũ sành lớn để cùng uống chung. Ông nào cũng nghĩ chuyện uống bớt bình rượu ngon của mình rồi pha thêm chút nước lã để góp. Rốt cuộc vì ai cũng làm như thế thành ra hũ rượu chung nhạt phèo. Vậy mà ông nào cũng ráng uống và hít hà khen ngon, vì sợ nói ra thì người kia biết mình góp rượu dỏm. Từ chuyện ba ông tiên nhân bản ra cả làng. Người người trong làng cũng góp rượu để mở hội, ai cũng nghĩ mình bớt chút chẳng sao, nên pha loãng, thành ra cả làng... uống nước lã.

Chuyện có vẻ tiếu lâm nhưng theo các nhà phân tích tâm lý học, đó là trạng huống có thể xảy ra trong lý thuyết trò chơi tập thể. Bởi nhiều người mang đầu óc tư lợi, nên khi tham gia hoạt động cộng đồng không ít người nghĩ cách làm thế nào để chia sẻ trách nhiệm ít nhất mà được hưởng lợi nhiều nhất.
Vận vào đời sống kinh tế, như chuyện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sẽ thấy hiện tượng tương tự diễn ra. Cả chợ cá truyền thống đang tấp nập kẻ bán người mua bỗng một ngày méo mặt nhận ra có người ủ ướp u rê để cá tươi lâu, bán lời hơn. Những quày thịt heo tùy ý khách chọn, nhưng người ta quan sát thấy loại thịt nạc bán chạy hơn, vậy là về tìm mua loại heo siêu nạc. Từ đó, người nuôi tìm thuốc tăng trọng, thuốc tạo nạc để cho heo ăn. Một ví dụ khác dễ thấy là rau quả. Người ta sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng rồi lại nhúng giữ rau quả tươi lâu để kiếm lời nhanh và nhiều. Họ chỉ nghĩ ra chợ, trăm người bán vạn người mua ai biết đâu mà lo. Một người, rồi hai, ba người... nghĩ và làm vậy, dần dần cả chợ rau quả đều thấm hóa chất cả.

Tình trạng gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng, sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, độc hại đã được cảnh báo rất nhiều. Chính phủ gần đây đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để răn đe, kiểm soát, ngăn chặn. Các phương tiện truyền thông cũng gia tăng liều lượng cung cấp thông tin khuyến cáo người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng “nói không với thực phẩm bẩn”. Ngành chức năng, chính quyền nhiều địa phương cũng đã vào cuộc để xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm sạch. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến nay đã có hơn 35 tỉnh, thành xây dựng được gần 300 mô hình chuỗi sản xuất nông sản an toàn, với các sản phẩm chính như rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản. Thời gian gần đây, VTV cũng liên tục đưa tin về các hội chợ giới thiệu sản phẩm sạch, các cửa hàng rau quả an toàn...

Những động thái trên là rất tích cực, tuy nhiên thực tế cuộc chiến “nói không với thực phẩm bẩn” chỉ mới bắt đầu. Gần như cả làng “nói không” nhưng còn vài trường hợp vẫn “có” thì sao? Nếu có người miệng “nói không” nhưng tay vẫn làm (như chuyện góp rượu) thì thế nào? Từ nhận thức đến hành động là cả quá trình dài thay đổi, chắc chắn phụ thuộc vào nhiều tác nhân. Đầu tiên ở phía người sản xuất, kinh doanh, không thể chỉ nghe tuyên truyền là họ lập tức thay đổi. Sự tử tế là sợi tơ mỏng manh trước cám dỗ của lợi ích, vì thế cần phải được giám sát của cộng đồng trong một sự ràng buộc về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Sản xuất và kinh doanh đều buộc phải công bố rõ thông tin nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ kiểm dịch, kiểm định. Nhà nước xây dựng và ban bố quy định pháp luật về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có lực lượng thực thi kiểm soát. (Có ý kiến cho rằng nếu trong đội ngũ này xuất hiện những “con sâu” làm ngơ nhiệm vụ để ăn hối lộ thì sao? Thì phải có sự chế tài đủ mạnh để trừng trị những kẻ “ăn bẩn”). Mặt khác, cần áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh những ai kinh doanh, phân phối mà dùng cách hối lộ để qua cửa kiểm định sản phẩm. Một số nơi người ta đã xác lập và công bố danh sách nhà phân phối có uy tín. Khi đó, anh nào gian dối thì bị pháp luật sờ gáy, bị nhà nước xử phạt nặng và người tiêu dùng tẩy chay, thì chỉ còn nước sụp tiệm.  

Khó thay, dai dẳng thay cuộc chiến với thực phẩm bẩn. Đó là chuyện không chỉ của hôm nay, của một năm 2016 ra quân rầm rộ. Cùng với các chế tài của luật pháp còn cần cả đạo đức mới có thể điều chỉnh hành vi, nhằm làm cho thực phẩm sạch, cho môi trường sống an toàn. Hành trình ấy có khi mất cả đời người kiên trì theo đuổi.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG