Sân chơi bình đẳng
Câu chuyện nợ công xới lên tại kỳ họp Quốc hội cho thấy những con số rất đáng lo. Theo nhận định của Ủy ban Tài chính ngân sách thì nợ công năm 2016 có thể lên đến 3 triệu tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản nợ 1,5 triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp nhà nước đang vay. Đáng nói là khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước có khả năng chuyển đổi thành nợ công, bởi như món nợ cũ hơn 63.000 tỷ đồng của Vinashin khiến ngân sách có thể sẽ phải trả nợ thay cho doanh nghiệp này trong 10 năm tới.
Muốn có vốn làm ăn lớn thì ít nhiều phải vay tiền và nợ. Nhưng lạ thay, các tập đoàn, từng được coi là “quả đấm thép” của nền kinh tế thì nợ như chúa chổm. Số nợ vay của các doanh nghiệp nhà nước từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng rất lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (134.014 tỷ đồng); Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (42.743 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (29.997 tỷ đồng); Tập đoàn Viettel (16.313 tỷ đồng); Vinalines (14.734 tỷ đồng)...
Đề cập câu chuyện nợ như trên không thể không đặt ra câu hỏi vậy sân chơi có công bằng không giữa các loại hình doanh nghiệp? Vì rằng, doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi trong đầu tư, được nhà nước bảo lãnh vay nợ, trong khi doanh nghiệp tư nhân phải tự xoay xở khó nhọc. Thế mà, hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân tự bơi và đóng thuế trong khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đổ nợ, dồn gánh nặng thêm lên Chính phủ.
Như vậy đã đến lúc không những phải xem xét lại việc xử lý nợ mà còn phải rà soát các chiến lược đầu tư, điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta nhớ nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng đề xuất rằng Chính phủ phải tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Chính phủ cần loại bỏ bất kỳ hình thức ưu đãi nào cho doanh nghiệp nhà nước, rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính thống nhất trong các quy định áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước và các quy định áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, cơ chế xử lý quan hệ giữa chủ nợ/con nợ và tình trạng mất khả năng thanh toán ở Việt Nam cần được bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế tốt, và được áp dụng cho cả doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra thông điệp về quyết tâm hành động của Chính phủ trong vai trò kiến tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.
Cần sự công bằng không chỉ là câu chuyện ở tầm quốc gia mà còn các địa phương, không những giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân mà còn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Mới đây, trong cuộc đối thoại của lãnh đạo thành phố Tam Kỳ với các doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp ngành may mặc may như Tuấn Đạt, Trường Giang, Kim Anh (đóng tại KCN Trường Xuân, TP Tam Kỳ) cho rằng họ bị thua thiệt do sự phân biệt trong chính sách ưu đãi. Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty may Tuấn Đạt nói mọi doanh nghiệp phải được bình đẳng. Vậy mà cùng đứng chân trong một thành phố, nhưng Tập đoàn dệt may Panko mới vào thì được nhà nước dọn sạch sẽ mặt bằng rồi giao cho họ hàng trăm héc ta đất và 5ha đất để làm nhà ở cho công nhân, còn Tuấn Đạt tìm đất xây nhà ở cho công nhân không được. “Công nhân tôi cũng cần nhà ở, nhưng tôi xin mấy anh không cho. Mấy anh nói với tôi sao cũng được, nhưng mấy anh trả lời với 2.000 công nhân của tôi như thế nào?” - Ông Doãn bày tỏ bức xúc.
Rõ ràng, muốn có sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp cần vai trò “kiến tạo” của chính phủ, chính quyền các cấp trong việc hoạch định chính sách.
ĐĂNG QUANG