Chửi và chuỗi

ĐĂNG QUANG 10/10/2016 09:04

Chú ý quá nhiều vào chuyện chửi của bà chủ quán mà dường như quên lý giải vì sao quán “bún chửi” vẫn đông khách?

Theo tôi, cái gọi là “văn hóa... chửi”, rồi quán bún được đưa lên CNN không có gì phải tự hào, hay chê bai một cách ồn ào đến vậy. Điều quan trọng hơn là chuỗi giá trị tạo nên một thương hiệu ẩm thực hay một quán ăn. Ở đó, nếu ăn không ngon, không sạch, không an toàn, không có giá trị khác biệt thì có lẽ không ai dám quảng bá. Nói dại miệng, nếu ăn dơ ở bẩn và rủi ro làm ngộ độc thực phẩm thì bà bán “bún chửi” không những bị khách chửi lại mà còn bị... đập. Trong cái thời buổi mà ăn gì cũng sợ bị đầu độc thì dù có bị chửi một vài lời dấm dẳng nhưng được ăn ngon, an toàn, thực khách cũng... ráng chịu vậy thôi. Còn hơn là chủ quán ngon ngọt mà đưa toàn thứ rau nhiễm thuốc rầy, thịt ướp hóa chất độc hại cho ăn, thì... “ngọt mật chết ruồi” luôn.

Ăn uống là chuyện nhu cầu thường ngày của con người. Ông thủ tướng hay người dân lam lũ cũng phải ăn uống, có gì phải ầm ĩ lên? Báo chí có cần chú ý quá nhiều vào những chi tiết “chầu rìa” trong cách ăn uống của một vị lãnh đạo? Nhưng quả thật, cái miếng ăn đang là nỗi lo của dân chúng. Tôi nghĩ, thông điệp cần nói nhất trong chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi ăn uống ở một quán bình dân, kiểm tra một cơ sở cung cấp suất ăn cho hàng ngàn công nhân, là làm sao để có chuỗi thực phẩm an toàn cho mọi người dân. Đây mới là điều căn cốt, là nỗi lo lắng của dân chúng. Bởi, có vị đại biểu của dân đã từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội là con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế vì thực phẩm bị đầu độc.

Để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn như thông điệp của Chính phủ yêu cầu, nhiều địa phương trong nước đã triển khai rà soát danh sách sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đã công bố các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn (tức là đã được giám sát, kiểm định chất lượng). Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, nhất là nông sản từ các tỉnh lẻ nhập về thành phố lớn còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, các địa phương xa trung tâm đô thị lớn thì việc sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ; trình độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến lạc hậu…; một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa được xây dựng thương hiệu, do vậy chưa quảng bá được sản phẩm và tạo lòng tin cho đông đảo người tiêu dùng. Ngay như Quảng Nam, sát cạnh Đà Nẵng, thành phố động lực của miền Trung, nhưng việc xây dựng chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn cũng còn nhiều trở ngại, nhất là sự vào cuộc của doanh nghiệp chưa như mong đợi. Đặc biệt, nếu việc hỗ trợ các chi phí (như mẫu xét nghiệm, chi phí đoàn kiểm tra, giám sát triển khai sản xuất theo chuỗi…), thì doanh nghiệp và người sản xuất, chế biến sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi. Công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu sự khác biệt về đặc tính kỹ thuật, chất lượng đối với sản phẩm nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn so với những sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường vẫn còn hạn chế nhất định.

Muốn có chuỗi giá trị cho nông sản thì phải có chuỗi thực phẩm an toàn. Đừng để như gạo và thủy sản nước ta đang đứng trước nguy cơ bị nhiều khách hàng quốc tế “chửi” và từ chối vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều hàng hóa nông sản như rau quả, thịt cá cũng bị cảnh báo như vậy. Do đó, không còn cách nào khác là phải đảm bảo kiểm soát được chuỗi sản xuất đến chế biến và tiêu thụ với những truy xuất thông tin nguồn gốc xuất xứ và kiểm định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG