Hạ hồi vẫn khó phân giải

ĐĂNG QUANG 03/10/2016 09:01

Mỗi khi ai đó nói “hạ hồi phân giải” lại cho thấy câu chuyện sẽ còn dài nhiều tập. Xưa đã thế mà nay cũng vậy. Gần gũi quanh ta hay một nơi xa xăm nào, câu nói đó đã thành câu cửa miệng.

Xưa, suốt “nghìn lẻ một đêm”, nàng Sheherazade đã thủ thỉ kể những câu chuyện về tình yêu, chiến tranh và pháp thuật, về các vị vua, những cô gái đẹp đến những kẻ ăn mày, về các xứ sở mà kim cương nhiều hơn đá sỏi, về  những mưu toan diễn ra trong các ngõ hẻm hay ở các khu chợ phương Đông. Và, để làm cho vị vua không ra lệnh giết nàng, mỗi lúc sắp hết câu chuyện  Sheherazade ngừng lại và nói: “Tiếc thay trời đã sáng rồi mà phần còn lại là đoạn hay nhất trong câu chuyện...”, hoặc “những truyện vừa rồi hay thật đấy nhưng không thể nào so sánh được chuyện bệ hạ sắp nghe đây...”. Lối tiểu thuyết chương hồi cũng thường kết mỗi chương như thế để dẫn dụ người đọc, người nghe “muốn biết sự thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ”. Tưởng kết mà chưa hết, hạ hồi phân giải là vậy.

Nói để sau này mới giải thích phân minh, nhưng có những chuyện từ xưa đến nay vẫn không tỏ tường được. Bây giờ thì rất nhiều chuyện trong đời sống, người ta cũng nói “hạ hồi phân giải” mà chưa biết bao giờ mới hạ hồi và giải thích rõ.

Vĩ mô là chuyện... quốc tế, khu vực. Trung Quốc cứ khăng khăng giải thích chủ quyền Biển Đông theo cách có lợi cho mình, dù tòa trọng tài quốc tế đã kết thúc  phân giải vụ kiện của Philippines tại La Hay. Triều Tiên thì cứ phóng tên lửa, thử hạt nhân dù dư luận quốc tế phản đối. Hết đàm lại đánh, hết đánh lại đàm, những toan tính của nước lớn trong các vụ xung đột vũ trang trên thế giới, và ngay cả trên xứ sở Ả Rập, Ba Tư, nghìn đêm nữa kể chưa hết chuyện.

Tầm quốc gia, nước Việt cũng có nhiều câu chuyện hạ hồi vẫn khó phân giải. Chẳng hạn vụ PVC làm thua lỗ hơn 3,2 ngàn tỷ đồng, Vũ Đức Thuận bị bắt, nhưng Trịnh Xuân Thanh đã cao chạy xa bay, nếu Thuận cứ đổ tội hết cho Thanh thì sẽ phân giải thế nào? Giả sử bắt được Thanh theo lệnh truy nã quốc tế có dẫn độ được không? Bắt được Thanh về rồi thì sẽ liên quan ai nữa với cái gọi là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Sẽ rất lâu mới kết câu chuyện này. Và, những vụ lừa đảo gần đây lên tới mức hàng ngàn tỷ đồng, kẻ bị bắt lãnh án, kẻ đào tẩu ra nước ngoài, còn người thiệt hại thì chưa biết lấy tiền đâu bù đắp lại. Những vụ đầu tư vào các dự án “khủng” rồi báo lỗ liên tục (như Đạm Ninh Bình), hay hàng loạt nhà máy “đắp chiếu” (như các nhà máy cồn, giấy, xơ sợi... tính tổng sơ sơ cũng cả vạn tỷ đồng đầu tư), thì sẽ dẹp hay sao? Quá nhiều chuyện!

Nói xa rồi về gần, ngay ở xứ Quảng cũng khó hạ hồi phân giải với một số chuyện. Mấy ngày nay, báo chí lại xới xáo vụ di dời nhà máy thép Việt Pháp. Đóng chân ở Điện Bàn, nhà máy này gây ô nhiễm khiến dân phản đối mấy năm liền. Nhưng nếu trước đã cam kết cho nhà đầu tư vào mà điều khoản ràng buộc thiếu chặt chẽ thì nay khó cắt cái đùng nên nghĩ đến chuyện cho di dời. Vậy ai sẽ chỉ ra chỗ nào để di dời cho phù hợp? Bây giờ, mới dự định cho lên Nam Giang thì lại bùng ra chuyện phản ứng tiếp vì sợ lại gây ô nhiễm. Quả là “bỏ thì vương, thương thì nợ”, hạ hồi phân giải thế nào?

Một cuốn sách dày bao nhiêu tập, một bộ phim dài như “cô dâu tám tuổi” rồi cũng sẽ đến lúc phải kết thúc, hạ màn. Chuyện đời có như thế không? Không hẳn. Vì vậy, lời nói đầu cho “Nghìn lẻ một đêm”, vẫn treo lên câu giới thiệu: “Vinh quang thay cho những ai đã góp chuyện người đời xưa để làm bài học dạy cho người đời nay!”. Chỉ mong thay, những câu chuyện về cái ác, cái xấu, là tấm gương tày liếp cho người đi sau đừng phạm phải để khó phân giải khi hạ hồi.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG