Báu vật của trời

ĐĂNG QUANG 29/08/2016 09:21

Chiều nay, 29.8, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặt nền móng cho việc tạo dựng thương hiệu, quảng bá sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam. Cũng từ đây, câu chuyện về cây sâm sẽ có thêm bước ngoặt để phát triển.

Đầu tiên, việc công bố chỉ dẫn địa lý xác quyết cây sâm Ngọc Linh là báu vật của trời ban tặng cho riêng vùng đất thiêng trên nóc nhà miền Nam. Bởi cả thế giới hiện chỉ có 5 loại sâm quý nổi tiếng, gồm sâm Ngọc Linh (Việt Nam), sâm Triều Tiên (xưa ta hay gọi sâm Cao Ly), sâm Trung Quốc và 2 loại sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có như tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, chống stress, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,... Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam còn cho hay sâm Ngọc Linh có thể chữa đau bụng, trong khi các thầy thuốc Bắc ngày xưa truyền tụng câu chuyện “phúc thống phục nhân sâm, tắc tử” (đau bụng uống nhân sâm, tất chết).

Hai loại sâm cùng họ với sâm Ngọc Linh là sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc đều sinh trưởng và phát triển ở vùng ôn đới và hàn đới, từ 23O vĩ độ Bắc trở lên, chỉ riêng sâm Ngọc Linh là sinh trưởng và phát triển ở vùng khí hậu nhiệt đới. Ngọc Linh là dãy núi cao nhất miền Nam Việt Nam (đỉnh cao gần 2.600m), nằm trên dải Trường Sơn Nam, nên củ sâm là sản phẩm đặc hữu, riêng có của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Theo TS. Trần Công Luận, về mặt hóa học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponin, trong đó, 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ và sâm Nhật và 26 saponin mới chỉ có trong sâm Ngọc Linh.

Chỉ với những đặc trưng trên đủ để thấy giá trị quý báu của sâm Ngọc Linh. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, có giá trị vô thời hạn. Vấn đề bây giờ đặt ra sau khi công bố chỉ dẫn địa lý là việc giữ gìn và phát triển cây sâm thế nào?

Về phía Quảng Nam, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My. Theo đó, diện tích trồng và bảo tồn cây sâm từ 2016 - 2020 đạt 665ha; giai đoạn 2021-2030, trồng 400 - 500 ha/năm, diện tích khai thác ổn định hàng năm 200 - 300ha, sản lượng khai thác khoảng 150 - 200 tấn/năm,... Các giải pháp đặt ra để xây dựng “vương quốc sâm” là xác định lâm phận và thành lập ban quản lý rừng đặc dụng khu bảo tồn sâm Ngọc Linh; giao rừng, cho thuê môi trường rừng cho các tổ chức, cá nhân trồng sâm; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đảm bảo khép kín chuỗi sản xuất từ  trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp mở rộng quốc lộ 40B, đường sá, trạm đỗ máy bay lên thẳng đến vùng sâm; xây dựng nhà bảo tàng giới thiệu sản phẩm, trung tâm nghiên cứu di thực sâm và cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu từ sâm...

 Về phía tỉnh bạn, UBND tỉnh Kon Tum  đã công bố quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong khu vực vùng lõi gần 17 ngàn héc ta. Đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn;  năm 2025, sẽ trồng hết khoảng 9,3 ngàn héc ta với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800ha.

Biết sâm là báu vật của trời ban cho, nhưng không thể phó mặc cho trời giữ và phát triển được. Đồng bào trên vùng sâm đang ấp ủ một tương lai cho loài cây đặc hữu, đem lại sự giàu có. (Bởi chỉ trồng 5 năm được 1kg sâm, khoảng 30 củ, có giá 50 - 100 triệu đồng, thì có thứ cây gì bằng).

Tháng 6 sang năm, khi sâm vào mùa hoa nở rộ và đậu quả, một lễ hội sâm lần đầu tiên sẽ mở trên vùng Nam Trà My. Câu chuyện về cây sâm Ngọc Linh sẽ còn được quảng bá nhiều hơn nữa, danh tiếng lan xa.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG