Phố mới, hồn xưa

ĐĂNG QUANG 22/08/2016 08:22

Tuần này có hai sự kiện lớn của Quảng Nam ngẫu nhiên diễn ra trùng ngộ trong một ngày 24.8. Đó là Hội thảo về Dinh trấn Thanh Chiêm & chữ Quốc ngữ, và sự kiện kỷ niệm 110 năm Phủ lỵ Tam Kỳ, 10 năm thành lập thành phố.

Hai sự kiện gắn liền với hai vùng đất ở hai đầu Bắc - Nam của tỉnh, đều là “địa linh” qua bao thác ghềnh lịch sử, đều đóng vai trò thủ phủ của tỉnh nhưng khác nhau về thời điểm xác lập.

Thủ phủ cách đây 415 năm là Dinh trấn Quảng Nam, dựng tại Cần Húc, sau chuyển về Thanh Chiêm. Nơi đó, lưu  những “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, với sự ký thác của chúa Nguyễn qua các thế tử, lập thành thủ phủ thứ hai của Đàng Trong. Đây cũng là căn cứ thủy quân, là cửa ngõ thực hiện chính sách mở cửa giao thương quốc tế, đồng thời tạo bàn đạp Nam tiến, làm cho Đàng Trong phồn thịnh từ thế kỷ 17. Tóm tắt như Văn bia làng Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), là: “Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn. Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ. Đất phương Nam cò bay thẳng cánh. Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng...”. Dinh trấn Quảng Nam, hay còn gọi là Thanh Chiêm; người phương Tây gọi là Cac-ciam, hay Dinh Ciam - Dinh Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, cũng là nơi ghi dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Dinh trấn Quảng Nam bây giờ nằm trong lòng Điện Bàn, một huyện vừa lên thị xã với tốc độ đô thị hóa và phát triển chóng mặt.

Với Tam Kỳ, lịch sử có những bước thăng trầm khác nhưng cũng từng đóng vai trò là thủ phủ của tỉnh. Các mốc sự kiện ghi lại, từ đất xưa thuộc huyện Hà Đông, năm 1906, vua Thành Thái ban đạo dụ lập Phủ Tam  Kỳ, dời phủ lỵ từ Chiên Đàn về xứ Hòa An. Phố thị Tam Kỳ theo những bước đi, thêm đông đúc chợ Vạn xưa cùng đò Ba Bến… Lịch sử bao năm gầy dựng, Tam Kỳ thành phố, thành phường, thành tỉnh lỵ, đứng trấn giữa trung độ Việt Nam. Trong đó, có các thời điểm đáng nhớ mà Tam Kỳ được coi là thủ phủ của tỉnh: năm 1951 (thành lập thị xã) được chọn là tỉnh lỵ của Quảng Nam; năm 1954, dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, quận Tam Kỳ là thủ phủ tỉnh Quảng Tín; năm 1997, thị xã Tam Kỳ trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam; năm 2006, Tam Kỳ lên thành phố, và năm 2016 là đô thị loại II. Tam Kỳ đã thay đổi diện mạo khá lớn, càng ngày càng xứng tầm hơn với vai trò thành phố tỉnh lỵ.

Lịch sử đã chọn lựa thế đứng cho thủ phủ xưa và nay, đều lưu lại truyền tích là  “đất yết hầu của miền Thuận - Quảng”, là “nơi cảnh đẹp núi kỳ”. Tầm nhìn của cha ông xưa và chúng ta ngày nay có thể khác nhau nhưng đều dựa vào thế núi hình sông ấy để đầu tư cho mảnh đất chọn làm thủ phủ phải phát triển về mặt đô thị, xây dựng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... Bởi vậy, trong sự lớn lên thành hình hài của đô thị Điện Bàn hay ở Tam Kỳ, trải qua hơn 400 năm hay 110 năm, nay cần giữ cái hồn xưa của phố với những di tích lịch sử văn hóa. Vì rằng, có được phố xá thênh thang ngày nay không thể quên lớp lớp cư dân Việt cùng cư dân bản địa đã vượt qua bao gian nan để khai sơn phá thạch, mở đất, lập làng trên vùng nước non xứ Quảng. Trên hành trình ấy cha ông đã để lại những văn miếu, chùa chiền, đình làng, nhà cổ, giếng cổ, những câu ca và chữ nghĩa... cần phải bảo tồn, tôn tạo để gìn giữ cho mai sau.

Xưa và nay, hoài cổ và tân kỳ, hai chiều cảm nhận để hình tượng vẻ đẹp   chiều sâu, gợi nên rung động. Phố mới hồn xưa cũng là cách cảm vậy, dĩ nhiên bao giờ cũng sẽ có sự mất đi ít nhiều của cái cũ và thay bằng cái mới mẻ tinh khôi.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG