"Nhà báo công dân"
Trong quãng mươi năm trở lại đây, khái niệm “nhà báo công dân” (citizen journalist) được đề cập nhiều.
Ban đầu, đó là những người sử dụng các phương tiện đơn giản để gửi đến các tòa soạn báo chuyên nghiệp tin tức mà mình có. Họ như những “thông tín viên” hoặc cộng tác viên, hay có mặt trên các mục “ý kiến bạn đọc”, “bạn đọc viết”... Dần dần, với sự nâng cấp, mở rộng của internet, rồi các mạng xã hội hình thành, nhà báo công dân xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành một lực lượng đông đảo hơn tổng số nhà báo chuyên nghiệp. Chẳng hạn, với khoảng 40 triệu tài khoản facebook ở Việt Nam, chỉ cần 1% trong số đó xuất hiện với tư cách “người đưa tin” ở mọi lúc mọi nơi thì đã gấp hơn 2 lần lượng nhà báo có thẻ hiện nay. Do đó, khối thông tin đồ sộ trên các mạng xã hội khó có tờ báo nào, nhất là báo in, có thể sánh kịp về góc độ nhanh nhạy, chi tiết và chứa đựng góc nhìn đa chiều. Rõ ràng, không tòa soạn báo nào đủ nhân lực có thể nắm bắt toàn bộ diễn biến mới ở khắp nơi trong nước hay trên thế giới. Vì thế, báo phải dựa vào tai mắt của bạn đọc. Ví dụ điển hình là trong vụ đánh bom khủng bố 11.9.2001 ở Mỹ, người dân tình cờ có các bức ảnh và đoạn video đắt giá mà báo chí phải sử dụng lại. Giờ đây, chúng ta thấy một hiện tượng là nhiều phóng viên chuyên nghiệp cũng sử dụng mạng xã hội để săn tin tức. Hiện nay, trên các tờ báo của Việt Nam như Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền Phong, Vietnamnet,... đều có mục độc giả viết hay mục bạn đọc. Trong mục đó, bạn đọc cùng làm báo, cung cấp thông tin; thậm chí một số người viết blog, facebook đã trở thành người điểm tin và bình luận trên báo.
Sự xuất hiện của nhà báo công dân khiến quan niệm về tác phẩm báo chí thay đổi ít nhiều. Một hình ảnh thô mộc về tai nạn giao thông thảm khốc, một video clip quay nhòe nhoẹt, một đoạn băng ghi âm cấp thời... đều có thể trở thành tin tức được tải lên mạng xã hội, lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người đọc chỉ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay phương tiện kết nối không dây khác, truy cập là biết được thông tin mà không báo, đài nào đưa kịp. Khi tin tức được phát tán qua mạng xã hội thu hút sự chú ý, thì cũng có ngay những tương tác bằng lời bình, hoặc bổ sung thông tin, đôi khi gây “bão dư luận” vì tranh cãi đa chiều. Vì vậy, Dan Gillmor, người xuất bản cuốn sách năm 2003 với tiêu đề “Chúng tôi là truyền thông: Báo chí của nhân dân và vì nhân dân” có nhận định: “Tin tức không còn là bài giảng mà là một cuộc đối thoại”.
Mạng xã hội và các nhà báo công dân chính là thách thức với báo chí chuyên nghiệp về cạnh tranh thông tin. Bởi, như nhà báo Mike Martinez của Hãng tin CNN nói, “không một nhà báo nào có thể có mặt tại hiện trường nhanh bằng chính những người dân tại đó với chiếc điện thoại có khả năng quay phim và kết nối internet trong tay”. Mặt khác, chính mạng xã hội là kênh giám sát, kiểm chứng báo chí chính thống. Như chuyện lùm xùm của VTV gần đây, với vụ việc “cây chổi quét rau”, hay chương trình “60 phút mở”, bị các nhà báo công dân soi kỹ. Và, không ít sai sót của báo chí chính thống bị điểm mặt bởi các nhà báo công dân. Hiện tượng này khiến các phóng viên chuyên nghiệp phải chịu áp lực cao trong việc kiểm chứng, xác định tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin; nếu đưa tin “cuội”, “tin vịt” thì không khỏi bị dư luận “ném đá”.
Nhà báo công dân thường tự mình tác nghiệp. Họ là... phóng viên, biên tập viên và kiêm luôn vai trò tổng biên tập. Do đó, nếu họ không có tâm, có tầm, thì tin tức của họ khó tin cậy được. Như thế, không chỉ báo chí chính thống mà cả báo chí công dân đều phải xác thực được nguồn tin. Tin tức không kiểm chứng được tất sẽ làm nhiễu loạn xã hội khi phổ biến rộng, nên ai cũng phải cảnh giác.
ĐĂNG QUANG