Leo cây với kiến

ĐĂNG QUANG 06/06/2016 08:52

Đã tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở biển bắc miền Trung(?), thông tin nghe rất kêu, giăng giăng trên mặt báo. Vậy là, người đọc dò tìm từng chữ, từng câu, hết tờ này đến tờ khác...

Này đây, hàng loạt báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông khẳng định đã tìm ra nguyên nhân cá chết.

Rồi có báo nêu, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, nói rằng “các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Thủ tướng đã mời các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước tư vấn phản biện kết quả trước khi đưa ra kết luận chính thức. Vì đây là vấn đề rất quan trọng nên khi công bố phải bảo đảm chứng cứ pháp lý và khách quan”.

Lại có báo “chua” thêm, trước đó, Bộ Khoa học công nghệ cho hay, đã đủ cơ sở khẳng định nguyên nhân gây cá chết, sẽ có câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận.

Tuy nhiên, rốt cuộc, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết cần phản biện thêm trước khi công bố và đặc biệt là cần có bằng chứng về pháp lý để có cơ sở xử lý thủ phạm.

(...)

Chuyện nóng ruột ai cũng biết, vì từ đầu tháng 4 bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, thì đến ngày 1.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp họp tại Hà Tĩnh yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương phải điều tra làm rõ nguyên nhân gây cá chết. Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che. Thời gian chờ đợi câu trả lời cũng khá lâu, trong khi đó ảnh hưởng từ hiện tượng này đã gây ra những hệ lụy tiêu cực cho ngành du lịch và ngành đánh bắt, chế biến hải sản.

Biết là các bộ liên quan phải cân nhắc thận trọng khi đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết. Bởi bất cứ sự sơ suất nào trong xác định nguyên nhân cũng có thể dẫn tới sai lầm trong khắc phục hậu quả. Song, đã muốn cân nhắc, chậm mà chắc như thế thì thôi, chứ báo chí thông tin kiểu vậy khác nào đánh đố người đọc. Điều đó, khiến tâm trạng của nhiều người giống như nhà báo Nguyễn Quang Vinh, phải thốt lên: “Báo chí biết người đọc yêu thương đang chờ đợi công bố về nguyên nhân cá chết nên tờ nào cũng chạy tít rất to, chữ đẹp thôi rồi, nét đậm thôi rồi, bắt mắt thôi rồi, ai vớ phải tít bài cũng chúi hết cả mắt, mũi, mồm vào đọc nguyên nhân cá chết, đọc từng chữ, từng dấu phẩy, đọc xong, đọc lần nữa, đọc xong, đọc lần nữa, đọc xong, đọc lần nữa mới vỡ òa trong niềm vui vô tận đã tìm ra nguyên nhân cá chết, đã tìm ra nguyên nhân cá chết, đã tìm ra nguyên nhân cá chết... và chỉ có rứa thôi, rằng, đã tìm ra nguyên nhân cá chết, chỉ có rứa thôi, nhỉ?”.

Từ chuyện trên khiến người viết bài này nhớ lại bài đồng dao:

“Con kiến mà leo cành đa,
Leo phải cành cụt leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra”.

Phải chăng, cái kiểu “leo ra leo vào” đã vận vào hành lang thông tin hiện nay, ít ra là với chuyện về nguyên nhân gây cá chết? Người đọc mà cứ gặp phải “cành cụt” trong kiểu đưa tin như vậy, không biết sẽ còn phải leo cây với con kiến luẩn quẩn mấy lần nữa?

Thường thấy người đưa tin là người kể một câu chuyện, dẫu có dùng kỹ thuật dẫn dụ để gây chú ý thì cuối cùng cũng phải cho người ta biết kết cục ra sao (ở đây, nguyên nhân cá chết là gì). Nếu không rõ ngọn ngành, không đi tới đâu, không thỏa được những gì người nghe chờ đợi, câu chuyện cụt lủn hóa ra vô duyên, trớt quớt!

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG