Lời của cát
Hồi mới tái lập tỉnh, bao người nhìn về Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc dựng lên trên dải cát phía bắc Quảng Nam mà hy vọng cuộc đổi đời. Hàng chục nghìn con em nông dân đã bước chân vào các nhà máy. Hàng hàng quán xá đưa dịch vụ thương mại phát triển, dần hiện ra vóc dáng phố phường. Tiếp giáp vùng Cửa Đại - Hội An, biển Hà My - Điện Dương, bắt đầu xuất hiện những khu resort nghỉ dưỡng cao cấp. Nổi bật nhất là The Nam Hai, đã thành dấu chấm như hạt cát vàng trên sa bàn du lịch quốc tế.
Phía nam Quảng Nam, bắt đầu từ Chu Lai mời gọi, những Biển Rạn, Cát Vàng... hình thành cùng sân bay, cảng biển. Từ trảng cát trắng xóa, hoang vu, khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải ra đời, phát triển, đóng góp tới hơn chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách của tỉnh. Toàn vùng Khu kinh tế mở Chu Lai, với 30 xã phường, thị trấn, quy mô khoảng 45 nghìn héc ta, chủ yếu là vùng cát giáp biển, tiếp nối được đánh thức với cả trăm dự án đã vào đầu tư. Giờ đây, hàng loạt công trình dự án ven biển tiếp tục triển khai, với khu công nghiệp ô tô mở rộng, Khu công nghiệp Tam Thăng ra đời; trong đó, lần đầu tiên có dự án “khủng” của du lịch với mức đầu tư dự kiến hơn 4 tỷ USD vừa khởi công hôm qua (24.4). Theo chân đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự khởi công các dự án trong dịp này, hẳn nhiều vị khách được thám du miệt đông và đông nam Quảng Nam sẽ thấy cả dải cát đầy tiềm năng đang thức dậy với những khát khao đợi chờ một cuộc chuyển động lớn lao để thay đổi và kiến tạo cuộc sống mới.
Chạy dọc theo con đường ven biển giữa sớm mai trời trong, những khuôn hình của cát hiện lên sắc màu đa dạng. Có đoạn trắng xóa, đoạn thẫm màu xam xám, rồi có chỗ thì mịn màng màu vàng như bột nghệ. Tất cả lay động những cảm xúc rất lạ như đọc trang văn đầy sự liên tưởng xa xăm, hay xem một bức tranh nhiều gam màu. À, đây rồi, một đoạn trong “Cõi người ta”: “Tôi bước đi trên một thứ cát tuyệt vời hoang vắng, tuyệt diệu hoang trinh. Tôi là kẻ đầu tiên làm con người thứ nhứt đã ngồi xuống đưa bàn tay mà hốt thứ bụi vàng vô giá đó, và đong lên đổ xuống, và lúc lắc trong lòng bàn tay của mình, và đê mê nhìn phấn vàng thong dong chảy giọt”... Đó là câu chuyện của nhà văn Saint-Exupéry, được viết sau chuyến bay dự định đến Việt Nam bất thành, sao tự dưng bây giờ lại khiến tôi liên tưởng đến những lời của cát ở đây? Hay là vì nhà thơ Bùi Giáng đã dịch tác phẩm ấy bằng những ngôn từ “vi diệu” mà thoang thoáng chất giọng Quảng Nam?
Có lẽ là lòng ai cũng đã sẵn một biển cát cồn cào trong ký ức.
Phải rồi, hàng bao nhiêu năm xa xôi, phía cát và biển đã vọng một hướng nhìn thao thức. Ta đã và đang có “thứ bụi vàng vô giá” để tạo dựng cuộc sống đẹp giàu cho mai sau, nhưng phải phòng chuyện để cát xót xa vì những hệ lụy ô nhiễm môi trường như nhiều vùng đã nhận lấy.
Lời của cát âm vang trong sóng biển, vọng lên từ quá khứ khởi nguyên vành đai lửa Thái Bình Dương, luôn mang khát vọng thấu cảm ngọn nguồn sự sống và sự bất diệt của con người. Dải cát biển hoang sơ nằm dọc dài suốt vùng đông Quảng Nam cần viết trang sử cho tương lai bằng chính khả năng tự chủ và tiếp nhận những nguồn lực đầu tư phát triển, đồng thời chia sẻ những giá trị để tạo nên sinh thái nhân văn.
ĐĂNG QUANG