Phía nón em nghiêng...

ĐĂNG QUANG 23/11/2015 09:04

Câu chuyện về chiếc nón lá mà Bộ trưởng ngành VH-TT&DL đem ra giữa nghị trường Quốc hội mới đây, sao lại khiến nhiều người cười rồi râm ran bàn tán? Có phải vì cách diễn đạt nôm na pha giọng Quảng, rằng phải gọi là nón bài thơ chứ không phải nón lá? Hay là do giọng điệu có vẻ tự hào về một sản phẩm được xếp thứ tư trong triển lãm ở Ý?...

Giải mã cung bậc, sắc thái ý nghĩa của tiếng cười là việc không dễ. Càng khó hơn là hiểu thông điệp sau tiếng cười. “Tiếng cười là cách giã từ quá khứ một cách vui vẻ”, câu nói đó của một nhà triết học kinh điển vận vào trường hợp này phải chăng là việc khó đòi hỏi trách nhiệm đối với một người sắp hết vai trò trách nhiệm “tư lệnh” của một ngành. Nếu hiểu theo hướng đó thì những gì thuộc về hạn chế của ngành du lịch cần phải chờ đợi một vị bộ trưởng khác tháo gỡ. “Em trao nón đợi…” là ở đây. “Nón rất Huế nhưng đời không phải thế” cũng vì chuyện ấy.

Ưu tư với sự phát triển của du lịch Việt Nam thì chồng chất, nói mãi không cùng. Trong đó, nổi lên là vấn đề chất lượng dịch vụ du lịch, môi trường du lịch. Tình trạng chung như đại biểu Quốc hội phản ánh là sự ô nhiễm môi trường gia tăng cùng nạn chặt chém, trấn lột, ăn xin, cò mồi chèo kéo… Đó là nguyên nhân làm lượng khách du lịch quốc tế giảm, và họ chuyển sang các nước khác thay vì chọn Việt Nam.

Một điều khác đó là sự nghèo nàn của sản phẩm. Không có gì độc đáo ngoài chiếc nón lá ư? Đúng là cười mà đau. Nói đâu xa, ở một tỉnh thuộc hàng “giàu có” về di sản, di tích như Quảng Nam, vẫn phải chờ đợi sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Nhiều làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng còn đơn điệu, tẻ nhạt về sản phẩm. Hội An thì quanh quẩn với đèn lồng, tò he con giống, đất nung,… lặp lại mô típ vậy thôi. Vì thế, nhiều cuộc tiếp khách, dẫn khách du lịch ở xứ Quảng xong thì chỉ biết tặng… cái bức ảnh Chùa Cầu, hay Mỹ Sơn về làm lưu niệm. Một cuộc “Bình chọn sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Quảng Nam” đã được phát động, rồi gia hạn, phải chờ đến cuối năm nay mới biết có chọn được sản phẩm nào độc đáo không (?).

Du lịch là đi chơi, trải nghiệm, khám phá, nghỉ dưỡng, mua sắm… Hành trình ấy luôn mang mong đợi của du khách về chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Nơi nào càng có sự độc đáo, phong phú, đa dạng thì càng níu chân khách. Họ đến thăm, thấy thích thú mới ở lại, ăn uống, sắm sửa, tiêu dùng, và theo đó cơ sở cung cấp dịch vụ và cả cộng đồng buôn bán bản địa sẽ được hưởng lợi. Nếu không tìm thấy sự thú vị nào, không có bài thơ nào- khắc-trong-chiếc nón-du-lịch, thì cũng đành buông trôi du khách về bến khác. Vậy nên dẫn câu thơ của nhà thơ Thu Bồn - “Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”, là để nghiêng qua chủ thể con người làm du lịch. Hạn chế tư duy về cái đẹp, cách làm đẹp, thiếu tầm nhìn xa, làm sao có thể tạo ra sức hút của du lịch vùng đất? Vẻ độc đáo, ánh sáng, sức hút, sự lan tỏa, là “mặt trời” mang sinh lực mới phủ lên đền đài cung điện cổ xưa, di sản di tích và cảnh quan thiên nhiên lộng lẫy. Du lịch có đem lại nguồn năng lượng bền vững cho sự phát triển hay không, bắt đầu từ đó, đến đó.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG