Đoán bệnh ông trời

ĐĂNG QUANG 09/11/2015 08:51

“Nắng mưa là chuyện của trời”. Nhưng dự báo khí tượng thủy văn là chuyện của con người. Đoán bệnh ông trời để phòng tránh thiên tai là việc con người tiến hành từ xưa đến nay.  

Nhìn cánh chuồn chuồn bay, con kiến, con mối di chuyển, sắc màu cây cỏ trở mình… để tiên liệu diễn biến thời tiết. Qua hàng ngàn năm tích lũy quan sát, trải nghiệm, dân gian đã đúc kết được cả kho tàng dự báo thời tiết khá phong phú. Và, không ít câu tục ngữ lưu lại kinh nghiệm quan sát đất trời còn giá trị hữu ích đến ngày nay.

Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, con người sáng chế thêm nhiều phương tiện hiện đại để dự báo khí tượng. Năng lực dự báo cải thiện rất nhiều với độ sớm về thời gian, chính xác về mức độ, cường độ diễn biến của mưa gió, bão lụt. Hệ thống cảnh báo thiên tai cũng được rất nhiều quốc gia trang bị, nối kết, tương trợ để phân tích, đưa thông tin phổ biến rộng rãi.

Tuy đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng công tác dự báo khí tượng thủy văn cũng không bao giờ giống như việc “đếm cua trong giỏ”. Nghĩa là, dự báo có cơ sở khoa học nhưng việc phân tích dữ liệu để dự đoán không thể đạt độ chính xác tuyệt đối. Có lẽ vì vậy mà dự thảo Luật Khí tượng thủy văn vừa đưa ra Quốc hội thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ở điểm quy định “thông tin dự báo, cảnh báo phải đủ độ tin cậy”. Có đại biểu cho rằng khái niệm “độ tin cậy” chỉ thường dùng trong trao đổi quan hệ xã hội, còn việc dự báo khí tượng phải có căn cứ khoa học, cần định lượng được. Nếu định tính chung chung thì rất khó quy trách nhiệm của người làm công tác dự báo, cảnh báo. Dễ hiểu băn khoăn này vì bởi đưa ra thông tin, dữ liệu về quá trình, diễn biến hiện tượng khí tượng thủy văn mà thiếu độ chính xác có thể gây tổn thất về tài sản, môi trường và tính mạng con người. Không thiếu những ví dụ cho trường hợp như thế khi cảnh báo hướng bão chệch quá xa, hoặc không dự báo kịp thời cơn lũ trái mùa đầu năm nay. Lại có trường hợp cảnh báo vùng tác động quá lớn khiến hàng loạt tỉnh phải mất công huy động tàu bè vào nơi trú ẩn; phí công sức, tiền của triển khai lực lượng, phương tiện, vật liệu phòng chống. Mặt khác, ai cũng biết thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp nên dự báo chính xác rất khó; dự báo sai thì thiệt hại thấy rõ nhưng nếu “dự báo quá lên” để cho an toàn cũng gây tổn phí tiền bạc, công sức. Chuyện này hỏi ngư dân sẽ rõ. Mỗi chuyến biển đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, chạy tốn cả ngàn lít dầu, nếu vừa ra gặp bão quay vào thì lỗ đậm. Có thực tế đó nên nhiều người đồng ý với quy định trong luật về các hành vi bị cấm, như: hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, quy định trong hoạt động giám sát biến đổi khí hậu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Đoán bệnh của ông trời là việc rất khó khăn. Bản thân của dự báo đã hàm chứa sự thiếu chính xác do khó nắm chắc quy luật vận động phức tạp của tự nhiên và xã hội, đặc biệt sự bất thường khi ông trời đỏng đảnh với biến đổi khí hậu ngày một khó lường. Nhưng nếu phó mặc cho trời thì nguy hiểm càng lớn, thiệt hại càng nhiều. Không có cách nào khác là phải trang bị thêm nhiều thiết bị tiên tiến, hiện đại; đầu tư mạnh cho khoa học nghiên cứu khí tượng, thủy văn; và tất yếu phải nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người làm công tác dự báo thời tiết.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG