Bó đũa và cột cờ

ĐĂNG QUANG 26/10/2015 08:34

Mấy năm gần đây, chuyện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương trong cả nước.

Để sản phẩm được bình chọn phải đạt nhiều tiêu chí, và nhấn mạnh rằng đó phải là sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do chính cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất; không vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp; đạt quy chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sản phẩm tham gia bình chọn phải có khả năng sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, không phải là sản phẩm độc bản, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tiêu chí như thế nên không phải cơ sở sản xuất và sản phẩm nào cũng dễ đạt. Và vì chọn tiêu biểu nên số lượng sản phẩm có hạn. Đáng mừng là, Quảng Nam đã tham dự ”sân chơi” này. Năm 2014, bình chọn cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Nam có được 6 sản phẩm là: Vải lụa tơ tằm Mã Châu (HTX Tơ lụa Mã Châu - Duy Xuyên), Sọt đựng rác cây nấm bằng mây tre (Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, Núi Thành), Bánh tráng Đại Lộc (hộ sản xuất Ngô Thị Phượng), Tiêu Tiên Phước (Công ty TNHH Sơn Tiến, huyện Tiên Phước), Chè xanh Quyết Thắng (Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng), Nhang cây 8 inches và 9 inches (Công ty TNHH MTV QNT, huyện Thăng Bình). Năm nay, 4 sản phẩm, gồm: Vải lụa tơ tằm Mã Châu, Sọt đựng rác cây nấm bằng mây tre, Chè xanh Quyết Thắng và Tiêu Tiên Phước của Quảng Nam tiếp tục được bình chọn, công nhận trong tốp 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Khi so bó đũa sản phẩm công nghiệp nông thôn, đã có những cột cờ tiêu biểu được chọn. Nhưng liệu an lòng chưa với công cuộc đầu tư công nghệ chế biến nông sản? Chúng ta không thiếu chủ trương về ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là mảng còn yếu, và nhiều nghiên cứu chỉ ra khả năng thua trên sân nhà vì giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp còn thấp, dễ bị tổn thương khi hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Các địa phương có trong quy hoạch xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao (theo Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ) vẫn chưa triển khai mạnh mẽ, làm đầu tàu về phát triển nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Muốn đo lường năng lực công nghiệp chế biến thì phải nhìn vào sản phẩm chất lượng và hàm lượng công nghệ cao. Do đó, sản phẩm công nghiệp nông thôn được bình chọn tiêu biểu kia chỉ có tính động viên, khuyến khích, còn khi ra cạnh tranh trên thị trường lớn thì chưa thể đoan chắc hiệu quả kinh tế tới đâu. Nói cách khác ta so với bó đũa của ta cũng chọn được cột cờ, nhưng so với thiên hạ chưa thể bằng lòng, thậm chí còn thua kém. Đó là thực trạng như sản phẩm lúa gạo mà ông Nguyễn Minh Nhị - một người am hiểu nông thôn Nam Bộ, đã có lúc phát biểu, nằm trên vựa lúa lớn của Đông Nam Á nhưng ta không làm cho giá trị thương hiệu gạo Việt vượt hơn Thái Lan (mà nay có thể thua Campuchia nữa).

Rõ ràng, còn nhiều việc phải làm để xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Từ đó, cần ưu tiên hỗ trợ nguồn lực tạo sản phẩm công nghiệp nông thôn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG