Nhà cổ kêu cứu
Lại nói chuyện về những ngôi nhà cổ ở Hội An.
Sau khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới (12.1999), thống kê cho thấy Hội An có 1.360 di tích, trong đó có khoảng 1.100 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt…
Như vậy, loại di tích là nhà cổ chiếm số lượng nhiều nhất. Và, dưới áp lực của sự xuống cấp, nhà cổ cũng kêu cứu nhiều nhất. Các tổ chức quốc tế như JICA, Taisei (Nhật Bản), Đại sứ quán Canada, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Quỹ công chúa Hà Lan… đặc biệt quan tâm đến các di tích cổ, đã tài trợ cho Hội An gần 4,4 tỷ đồng để tu bổ các di tích như nhà số 14, 103, 113, 115, 117 Nguyễn Thái Học; 6 Nguyễn Thị Minh Khai; 48 Trần Phú; Nhà thờ tộc Trương; Khổng Tử miếu; miếu Hy Hòa; mộ Taji-Yajirobei. Về phía Nhà nước cũng đã đầu tư nhiều tỷ đồng để tu bổ di tích nhà cổ trong thời gian qua.
Tuy vậy, công việc trùng tu di tích nhà cổ vẫn chưa vơi nỗi lo. Dãi dầu qua mưa nắng thời gian, nhiều ngôi nhà có nguy cơ “đột quỵ” do đã hết sức chống chịu. Vì thế, trước mùa bão lũ hàng năm, di tích nhà cổ ở Hội An lại gióng lên tiếng kêu cứu khẩn thiết. Nguồn thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, hiện nay trong khu phố cổ có 15 di tích nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, trung tâm này đã đề xuất xin 100% kinh phí trùng tu từ nguồn vốn Nhà nước cho 4/15 nhà cổ có nguy cơ đổ sập. Chưa rõ nguồn vốn trùng tu khẩn cấp các nhà cổ ấy có được phê duyệt hay không nhưng hiện Hội An phải chật vật để chống đỡ và nỗi lo thường trực chuyện nhà sập sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Được biết, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng rà soát để đưa ra cảnh báo đối với các chủ hộ có nhà bị xuống cấp nặng, nhằm có biện pháp phòng ngừa, di dời đi để tránh trú vào mùa mưa bão. Cũng cần nói thêm, chuyện sập đổ nhà cổ không phải là lo xa. Hội An đã từng có, và mới đây nhà cổ thời Pháp ở Hà Nội đã sụp xuống một cách kinh hoàng, là cảnh báo đáng sợ.
Từ khi được công nhận Di sản thế giới, những ngôi nhà cổ ở Hội An trở thành điểm thu hút du khách muôn phương. Du lịch đem đến nhiều vận hội để phát triển kinh tế đời sống và ngày càng cho Hội An mở rộng giao lưu văn hóa. Chủ nhân của những di sản cổ kính, chắc lẽ cũng quan niệm như Mahatma Gandhi: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt. Tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”. Tuy nhiên, giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa luôn chịu sự thử thách vì sự va đập lẫn nhau và đều bị tác động rất lớn của điều kiện tự nhiên, xã hội. Bảo tồn nhà cổ Hội An không chỉ khó khăn thường trực vì thời tiết khắc nghiệt làm di tích xuống cấp trầm trọng. Nhà cổ Hội An còn lùng nhùng bên trong về chuyện chủ sở hữu, không dễ tìm sự chung sức nhiều của tư nhân về kinh phí trùng tu. Trong khi đó, việc kinh doanh dịch vụ du lịch, buôn bán ở những ngôi nhà cổ có mặt tiền cũng đang…hái ra tiền. Tất cả làm cho tiếng kêu cứu của di tích nhà cổ mỗi ngày càng bức thiết trên nhiều phương diện.
ĐĂNG QUANG