Trông ra ngọn cỏ lá cây...
Chiến tranh điêu linh đã để lại bao câu chuyện làm day dứt lòng người.
Trên đường ra trận, nhiều người đi, đi mãi không về! Hòa bình rồi, bóng dáng họ chỉ về trong gió hiu hiu trên đầu ngọn cỏ lá cây khi tiếng gọi ký ức trỗi dậy. Tiếng vọng gọi ấy như hoài thao thức với những câu thơ của Nguyễn Duy: “Đồng đội bao người không về tới như anh/ Nằm lại cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa/ Tất cả họ suốt một thời máu lửa/ Đều ước ao giản dị: Sắp về!...”.
Đi qua những cuộc chiến chinh, đất nước Việt Nam còn mang trên mình di chứng đau thương vô bờ bến. Cứ thử hình dung, khoảng 8,8 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số, dù được chính sách, chế độ nhà nước quan tâm nhưng làm sao có thể bù đắp những mất mát quá lớn. Và đối với một tỉnh như Quảng Nam, càng khó khăn biết bao để chia sẻ đủ đầy với hết thảy gia đình chính sách chiếm khoảng 20% dân số của tỉnh. Quảng Nam được gọi là đất anh hùng nhưng thương đau vì chiến tranh thuộc hàng đầu cả nước, bởi có tới gần 65 ngàn liệt sĩ, hơn 30 ngàn thương bệnh binh, hơn 46.500 người có công giúp đỡ cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; đặc biệt có hơn 11,5 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chính vì vậy, việc quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho người có công là câu chuyện đặt lên hàng đầu ở Quảng Nam suốt nhiều năm tháng qua. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng ở Quảng Nam với nhiều kết quả đáng kể. Nổi bật là qua hơn 15 năm đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 58 tỷ đồng; kêu gọi và vận động các tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh gần 412 tỷ đồng để hỗ trợ cải thiện nhà ở trên 27.450 trường hợp, trong đó xây mới 21.300 ngôi nhà. Bên cạnh đó, phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ, đỡ đầu con liệt sĩ, con thương bệnh binh được các cấp, các ngành, các đoàn thể, các đơn vị hưởng ứng tham gia tích cực.
Dù đã cố gắng rất nhiều trong công tác đền ơn đáp nghĩa nhưng Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung còn rất nhiều nỗi day dứt khôn nguôi. Như chuyện tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin liệt sĩ. Từ 21.5.2013, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 24-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14.1.2013, phê duyệt “Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”. Tuy vậy, trong thực hiện, hành trình tìm kiếm quy tập hài cốt và xác định thông tin liệt sĩ gặp quá nhiều gian nan. Mới đây gặp lãnh đạo Nhà nước Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng còn đề nghị giúp đỡ tìm kiếm quy tập khoảng 5 nghìn liệt sĩ còn nằm trên đất bạn. Tính chung cả nước hiện còn khoảng hơn 200 nghìn mộ liệt sĩ chưa được quy tập, hơn 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập trong các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin. Và ở Quảng Nam, trong các trang mạng tìm kiếm thông tin liệt sĩ, thấy danh sách liệt sĩ ở các xã phường thị trấn, còn rất nhiều khoảng trống.
Dấu chân người đi chinh chiến đã xóa mờ qua gió bụi, vậy nên thông tin chính là dấu chân của liệt sĩ để lại. Song, giờ đây không hiếm trường hợp như rơi vào cõi hư vô, vì chưa biết tên họ, quê quán, phiên hiệu, ngày tháng hy sinh… “Trông ra ngọn cỏ lá cây” là lời thác, nhắc nhớ mỗi năm vào ngày 27.7, lại thấy bóng hình liệt sĩ lay động tâm can.
ĐĂNG QUANG