Đêm nghe sóng trở mình
Rất lâu rồi tôi mới có dịp về Cửa Đại. Miên man một miền. Nhớ nhung nhàu nhĩ. Ký ức vẫy gọi những dòng văn da diết một thời…
Ừ, thì đấy, một cửa biển từng định danh trong lịch sử là Đại Chiêm Hải Khẩu thời vương quốc Chiêm Thành xa xưa. Ờ, cũng lịch sử đã từng ghi dấu những mơ ước thuyền buồm vươn ra Đông Hải, làm nên Hội An cảng thị phồn vinh. Nhưng đêm nay, tôi lại thao thức khi nhớ một khách bộ hành phiêu lãng là Nguyễn Tuân đã từng viết một thiên tùy bút “Cửa Đại” thời tiền chiến. Khi rời chiếc xe đò cà tàng bước qua chiếc xe thổ mộ lộc cộc, nhà văn đã thăm thị xã Hội An, đến bờ biển Cửa Đại thời ấy còn khá hoang sơ. Nhà văn mô tả cảnh tượng cửa bể như một “Xích Bích trận” với hàng trăm con thuyền đánh cá trở về sau đêm chong đèn trước biển. Thời Pháp thuộc, Cửa Đại từng có một thời náo nhiệt. Đó là cửa biển mà các công chức, nhà giàu, học sinh, nhà buôn, khách du lịch các nơi đổ về. Cửa Đại là dấu hiệu của văn minh vùng biển. Không phải tới thời “mở cửa” mà từ lâu rồi, Cửa Đại đã trở thành nơi dành cho “ông Tây bà Đầm” và người dân ở đó không còn ai gọi là “mọi biển” nữa. Cửa Đại và Hội An đã từng đón bước chân lữ thứ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, và biết bao tao nhân mặc khách...
“Thế gian biến cải vũng nên đồi”, như sự khái quát của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cửa Đại ngày nay đã có nhiều thay đổi. Một trong những sai lầm mà ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An tự nhận – là đã không làm gì được trước chuyện biến Cửa Đại thành một “thành phố resort”, gần như bít kín mặt bể. Ông Sự cũng nhận “có cái sai xin lỗi, sửa được nhưng có cái sai lớn nhất, không sửa được là đã đồng ý cho xây khách sạn dọc biển Cửa Đại, phá rừng dương chắn sóng, chiếm hết không gian, mất lối đi của người dân”. Rồi như một trò chơi số phận khi biển lở. Cửa Đại trở thành một “điển hình” của xâm thực biển. Những doanh nghiệp du lịch đầu tư vào đây, thấy hàng ngày biển liếm mất bờ, liếm vào của cải họ đầu tư. Biết bao cuộc làm việc, hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã về đây, nhưng đứng trước Cửa Đại thấy hiện lên một câu hỏi quá lớn. Có nhiều phân tích cho thấy về nguyên nhân làm biển Cửa Đại sạt lở. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của giáo sư Hitoshi Tanaka (Đại học Tohoku, Nhật Bản) cho rằng, “Việc suy giảm bột cát do xây dựng các hồ chứa ở thượng lưu và việc khai thác cát trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là nguyên nhân tất yếu gây xói lở bờ biển Hội An. Việc xói lở không xuất phát từ ngay bờ biển mà liên quan đến hệ thống thượng nguồn”.
Việc sạt lở bờ biển Cửa Đại đã khiến Hội An không còn như xưa nữa, không chỉ tác động đến du lịch của thành phố cổ này mà còn có thể ảnh hưởng tới đời sống cư dân nơi đây. Trước hiện tượng ấy, để tự bảo vệ tài sản, các khách sạn chạy dọc biển Cửa Đại kè bờ mỗi nơi mỗi kiểu. Nơi kè mềm (bao tải cát), chỗ kè cứng (đá). Vì thế, sóng biển đánh chỗ này bị cản thì chuyển hướng “ngoạm” chỗ khác. Trong khi chờ “giải pháp tổng thể”, chính quyền Hội An ra tay xử phạt vi phạm hành chính hơn 40 triệu đồng, buộc khách sạn Golden Sand phải tháo dỡ ngay đoạn kè vuông góc bờ biển (kè đá “mỏ hàn”). Nhưng từ tháng 5 đến nay, thi hành thế nào cũng khó.
Sóng đã nổi từ phía Cửa Đại. Nhà nước hay doanh nghiệp đều đang đau đầu với câu chuyện biển lở. Còn phía tôi, phía những người như tôi, đêm nay nghe sóng trở mình mà thao thức bao điều nhân quả…
ĐĂNG QUANG