Không biên giới

ĐĂNG QUANG 12/01/2015 08:38

Một trong những yếu tố làm cho thế giới “phẳng” hơn là nhờ Internet và điện thoại. Phương tiện viễn thông ngày càng hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao lưu tình cảm của dân chúng mà còn cả việc làm ăn.Câu chuyện đứt cáp, nghẽn mạng trong mấy bận gần đây ảnh hưởng thấy rõ đến thông tin liên lạc và cả giao dịch kinh tế khu vực và thế giới. Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không có Internet và điện thoại, hẳn giỏi lắm là nhân loại chỉ thiết lập được con đường mậu dịch dựa vào ngựa thồ, thuyền buồm, tàu chạy máy hơi nước… rất chậm chạp. Vì vậy, việc phát triển mạng lưới viễn thông trở thành chiến lược của hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở Quảng Nam, còn nhớ đầu năm 1997, không có Internet; điện thoại di động rất ít người có, còn điện thoại cố định thì đặt chỉ tiêu với… vài chiếc máy trên 100 dân. Hồi đó, hội họp phải đánh giấy mời lọc cọc. Nhà báo chủ yếu viết bài thủ công. Sau đó ít năm có máy tính thì đánh bài xong phải copy đĩa mềm chạy tới gửi bài cho tòa soạn báo. Nhắc chuyện cũ vậy, để thấy giờ đây, một tỉnh còn nghèo như Quảng Nam mà đã có 100% số xã phủ sóng điện thoại cố định; 98% số xã đã phủ sóng điện thoại di động, 96% có đường truyền cáp quang. Số thuê bao điện thoại đã lên đến hơn 1,22 triệu (trong đó, thuê bao điện thoại cố định hơn 90 nghìn, và hơn 1,1 triệu thuê bao điện thoại di động). Bây giờ, mật độ điện thoại đã đạt hơn 85 máy/100 dân. Về Internet, đã có hơn 33 nghìn thuê bao; đã có 1.314 trạm BTS trên toàn tỉnh. Vừa rồi, nhân dự hội nghị khách hàng của Viettel mới biết, Viettel đã có khoảng 600 nghìn thuê bao trên địa bàn Quảng Nam. Chưa hết, Viettel đã vươn ra nước ngoài, phủ sóng kinh doanh viễn thông ở Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Haiti và bước đầu đã tiến đến quốc gia thuộc tốp giàu trên thế giới là Peru.

Nhu cầu sử dụng Internet dù đã tăng cao, song chưa phải đã hết tiềm năng. Ngay như giới nông dân Quảng Nam còn ít người bắt đầu biết cách lên mạng để quảng bá sản phẩm, bán hàng. Do vậy, việc hỗ trợ truy cập mạng vẫn cần thiết. Một dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ Bill& Melinda Gates Foudation tài trợ đã đặt chân đến 40 tỉnh thành khó khăn, trong đó có 15 huyện của Quảng Nam, thông qua hệ thống thư viện và bưu điện văn hóa xã.

Dường như đã không còn biên giới trong thông tin liên lạc. Con cái đi học xa có thể nói chuyện với ba mẹ hằng ngày. Núi và biển chỉ cách nhau một cuộc gọi là xong thỏa thuận cung ứng hàng hóa. Bạn bè đi chơi khắp thế giới có thể tán gẫu hàng giờ, đưa ảnh lên mạng, thông tin về điểm đến. Hệ thống truyền thông đại chúng tận dụng tối đa sự phát triển của mạng viễn thông. Bây giờ những biến cố, sự kiện lớn đều truyền hình, truyền thanh trực tiếp, có thể xem qua TV, máy tính, máy điện thoại, cập nhật được thông tin từng phút dù ở văn phòng hay di chuyển trên đường; hội họp cũng có thể tổ chức trực tuyến qua mạng mà không cần từ huyện lên tỉnh, ra trung ương.

Không biên giới, vậy câu chuyện của nhân loại có vì “thế giới phẳng”, “thế giới ảo”, vì toàn cầu hóa mà hòa nhập đến hòa tan không? Điều đó chưa chắc, nhưng khó ai phủ nhận những tiến bộ của công nghệ viễn thông đã đưa thế giới, Việt Nam, Quảng Nam, có thêm nhiều tiện ích, tiện lợi trong giao lưu, giao thương quốc tế.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG