Ác quỷ & chuyện lạ
Về quê, ngồi quán xá đều nghe râm ran câu chuyện về kẻ thủ ác Lê Văn Phúc (21 tuổi, trú tổ 15 thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Chuyện đã đăng Báo Quảng Nam. Kẻ giết người cũng đã bị bắt. Nhưng nỗi đau của gia đình chị Nguyễn Thị T. khi mất người con gái hiền lành vẫn còn đó. Và, những câu hỏi đau đáu về thân phận con người vẫn đầy day dứt. Vì sao ác quỷ lại có điều kiện hiện hình với khuôn mặt tàn bạo, lạnh lùng như vậy? Tại sao ở làng quê xứ Quảng lại hiện hữu nỗi phập phồng lo sợ cái chết oan do chính người địa phương gây ra? Nhà báo Vũ Đức Sao Biển, người con xa quê, gọi về Báo Quảng Nam, bày tỏ nỗi chua xót và đặt dấu hỏi, sao báo cáo về thành tích xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, rồi các mô hình an ninh trật tự thường hay ho vậy mà những chuyện như thế vẫn xảy ra? Vì một lời tỏ tình không được chấp nhận có thể giết người một cách mau lẹ và tàn ác đến thế sao?
Dù muốn hay không cũng phải nhận xét rằng, trên dải đất ngang qua Hà Lam, Thăng Bình, trong mấy năm qua thường có nhiều chuyện lạ. Như chuyện một ông tự dưng ôm cái cốt xác vợ 8 năm trong nhà gây biết bao ám ảnh. Ngay thị trấn từng có sòng xóc đĩa ăn tiền rất lớn. Có hai mẹ con cùng buôn ma túy để cùng dắt nhau vào tù. Một ông trưởng trạm y tế tham nhũng có người tố cáo thì bị ông chủ tịch thị trấn ra tay trù dập. Rồi mới đây, có vụ người dân cháy nhà chạy lên báo công an thì bị đánh… Hãy thử vào Internet, tra Google sẽ thấy treo mãi những thông tin chuyện vụ án liên quan đến địa danh này, để biết là hoàn toàn không vơ đũa cả nắm, cũng không vì câu cửa miệng “ở đâu cũng có anh hùng/ở đâu cũng có bà khùng bà điên” để biện minh cho những chuyện đau lòng. Nhưng chuyện ấy làm xấu đi hình ảnh của một thị trấn vốn dĩ yên bình, nơi từng có những khoảng trời mơ mộng cho thơ nhạc, nơi in dấu những con người tài hoa một thuở.
Rõ ràng cái cách giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường văn hóa còn thiếu một điều gì căn cốt ở đây. Bởi vì ai cũng chẳng lạ gì những đối tượng tiềm tàng có nguy cơ gây án còn nhởn nhơ, vậy mà không có tổ chức nào phát hiện và có biện pháp răn đe những kẻ như Lê Văn Phúc. Khi Phúc lêu lổng ăn chơi, lại dính thêm ma túy, thì bỗng trở thành tên thủ ác máu lạnh không khác Lê Văn Luyện từng gây rúng động dư luận cả nước với vụ giết người không ghê tay ở ngoài Bắc. Ma túy cũng từng len lỏi tới làng quê, một thời có điểm nóng Bình Trị, vậy mà giờ đây lan xuống đến Hà Lam lại có thêm những thanh niên tụ tập hút chích, bài bạc. Cái ác đã nhen nhóm từ sự lêu lổng và ma túy sẽ dẫn đến nạn trộm cắp, giết người. Vậy gia đình ở đâu, đoàn thể ở đâu, các tổ tự quản an ninh trật tự ở đâu, lực lượng chức năng làm gì mà lại để cho thanh thiếu niên hư? Chúng tôi cũng biết được rằng, không chỉ ở Hà Lam mà ngay thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ, chuyện thanh niên lêu lổng, tụ tập hút chích ma túy cũng không hiếm. Nhiều người dân đã phản ánh tình trạng các công viên, hồ điều hòa, tượng đài chiến thắng xuân Mậu Thân… ở Tam Kỳ là những điểm chích choác ma túy mà ống kim tiêm vương vãi khắp nơi. Lại thêm chuyện, có đêm trên đường phố vắng, thanh niên quậy phá, phê thuốc rồ ga chạy inh ỏi. Những hiện tượng đó là lời cảnh báo sẽ không bao giờ là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” cho việc giữ gìn trị an. Nếu không có cách nào phòng ngừa, thì những cái ác sẽ còn gây ra những cái chết oan ức bất thình lình cho dân lành, đó đâu phải là chuyện lạ.
BẢO TRÂN