Tăng tốc với ô tô
Trong bối cảnh đầy khó khăn, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) vẫn tìm được con đường để chiếm 31,9% thị phần ô tô trong 7 tháng đầu năm 2014 là một câu chuyện đáng phấn khởi. Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng giám đốc Thaco cho biết, 7 tháng đầu qua, công ty đã đạt doanh số 21.117 xe, đạt lợi nhuận sau thuế 1.485 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.184 tỷ đồng (nộp tại Quảng Nam 3.009 tỷ đồng). Nếu so sánh với năm 2011, năm đạt đỉnh cao nhất với doanh số 32.474 xe, thì dự kiến doanh số năm 2014 sẽ là 39.500 xe nhưng đạt doanh thu gấp đôi và nộp ngân sách 5.984 tỷ đồng (trong đó nộp tại Quảng Nam 5.593 tỷ đồng). Có thể nhận định là Công ty CP Ô tô Chu Lai – Trường Hải vẫn giữ đà tăng tốc trong năm đầu tiên khởi động chiến lược để hướng tới hội nhập ASEAN.
Thaco nộp ngân sách nhiều nhất, chiếm quá nửa số thu ngân sách của tỉnh, và là doanh nghiệp giải quyết số lượng lao động đứng thứ hai ở Quảng Nam. Vì vậy, hẳn nhiên Quảng Nam luôn quan tâm đến Thaco và chia sẻ những câu chuyện vui cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể không trăn trở khi nhắc tới những khó khăn thách thức vẫn còn khá nhiều trên hành trình phát triển bền vững của Thaco với định hướng chiến lược tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chất lượng sản phẩm, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để cụ thể hóa điều này, hàng loạt nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng đã được Thaco đầu tư, trong đó “trái tim Thaco” đặt nhiều hy vọng vào dự án xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Hyundai Chu Lai - Trường Hải. Đây là nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ được chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, có tổng vốn đầu tư 185,5 triệu USD, với công suất 20.000 động cơ/năm. Tuy nhiên, sau thời gian xúc tiến, dự án đã ách tắc. Một không khí lo lắng xuất hiện với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Nhận diện tình hình, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng, Thaco cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, dù nền kinh tế đã ổn định và có chiều hướng tăng trưởng hơn so với năm 2013. Việc thực hiện khát vọng với tầm nhìn Thaco trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành trong đó sản xuất ô tô là nền tảng, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, hướng đến hội nhập và có vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN, sẽ không là con đường bằng phẳng.
Ông Trần bá Dương bộc bạch rằng dù khó khăn trở ngại bao nhiêu chăng nữa, Thaco vẫn “không rút lui, vẫn giữ vững tinh thần vượt qua thách thức, phát triển bền vững”. Nói thế, tất cũng đã xác định mấu chốt giúp Thaco hội nhập là cần có chiến lược khác biệt, nâng cao năng lực công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân lực kỹ thuật mạnh và năng động, tiềm lực tài chính và tìm được đối tác tầm cỡ. Đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư thêm các nhà máy sản xuất phụ tùng, phát triển mạng lưới phân phối cũng được Thaco chú trọng. Cho đến nay, Thaco tập trung vào các dòng xe tải, xe bus, xe du lịch Mazda, Peugeot, xe chuyên dụng, và sản xuất nhiều linh kiện phụ tùng. Các nhà máy mới như nhà máy sản xuất dây điện, sản xuất kính ô tô, sản xuất linh kiện nhựa tiếp tục đưa vào hoạt động. Hệ thống phân phối đã có hàng trăm showroom và đại lý.
Tăng tốc với doanh số, doanh thu đã đáng mừng, càng mừng hơn là tăng tốc nguồn lực. Vốn điều lệ của Thaco từ 800 triệu đồng năm 1997 nay đã lên 3.525 tỷ đồng. Nguồn lực lao động, riêng tại Chu Lai, Thaco đã có gần 3,9 ngàn lao động (trong tổng số 7,8 ngàn cán bộ, công nhân viên).
Với ngành công nghiệp ô tô, khi hội nhập AFTA vào năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc còn 0%, các hãng xe lớn sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Do đó, xu thế cạnh tranh gay gắt hơn qua khe cửa hẹp sẽ là thử thách không nhỏ. Vì thế, tăng tốc nhưng biết giữ chắc tay lái, lách tránh, vượt qua chướng ngại vật để về đích an toàn là thử thách của Thaco, trước hết trong chặng đường từ đây đến 2018.
NGUYỄN ĐIỆN NAM