Chuyện đọc báo

ĐIỆN NAM 28/07/2014 08:28

1. Bảy giờ sáng, thị trấn Hà Lam còn chìm trong sương mờ. Đang lơ ngơ đi quanh trụ sở UBND huyện Thăng Bình thì nghe tiếng người oang oang: Mời các đồng chí nghe đọc báo! Ở một góc văn phòng, các cán bộ ngồi tề tựu trên dãy ghế sắp hàng ngang. Người đứng phía trước là anh Phan Chí Thanh, giương đôi kính dày cộp lướt các trang báo và đọc. Tôi thấy vui vui, bởi anh này chiều qua còn tiếp mình từ Bình Lãnh trở về với dăm ba chén rượu, ngâm thơ chảy tràn, vậy mà đã dậy từ lúc nào để điểm tin báo buổi sáng. Sè sẹ ngồi xuống nghe thử thì mới biết cách điểm tin đúng theo “luật tương cận”, tức cái chi gần gũi, sát với tình hình địa phương thì đọc trước, rồi mở rộng ra, chừng hơn 30 phút là xong. Ấy là câu chuyện diễn ra hơn 10 năm trước.

2. Đồng nghiệp nhà báo trước khi lên miền biên viễn thường nhắc nhau mang ít báo và tạp chí lên tặng cho các chiến sĩ biên phòng hoặc các thầy cô giáo cắm bản. Sách báo mới thì tốt, báo cũ cũng chả sao. Những con người thường sống trong không gian chìm khuất sương mờ, sang thì có chiếc radio làm bạn nên mắt thèm đọc cái chữ lắm. Tờ báo gói hàng cũng mở ra, vuốt cho thẳng để đọc. Có cuốn tạp chí thì cứ đọc đi đọc lại đến nhão. Chuyện đó thường tình ở núi, mấy năm trước hãy còn. Mà kể cả bây giờ, khi internet, viễn thông phủ sóng rộng thì vẫn còn nhiều vùng lõm, sách báo là thứ cho thấy hơi ấm đồng bằng suốt những đêm dài mưa rả rích.

3. Bây giờ “thức ăn tinh thần” là báo chí dường như đã có quá nhiều thứ để chọn lựa. Cách đọc báo ngày nay có khi không còn bóng dáng gì dấu ấn câu chuyện ngày xưa. Vậy liệu bạn đọc có thay đổi không? Liệu tất cả 800 tờ báo, tạp chí của cái nước Việt này có đến với bạn đọc vùng sâu vùng xa không? Rất nhiều tờ báo đang tìm cách cải thiện chất lượng thông tin đi đôi đẩy mạnh phát hành trong bối cảnh thị trường báo in (báo giấy) đang sụt giảm trầm trọng. Nhưng cũng có không ít tờ báo vẫn trì níu trong hơi thở như thời bao cấp, nhà báo sống và làm việc như công chức làm công ăn lương, viết cái gì cũng cho xong một cách dễ dãi mặc bạn đọc có quan tâm điều mình viết hay không.

Người đọc bây giờ khó tính lắm và cũng đòi hỏi nhiều hơn. Hẳn nhiên rồi. Báo chí phải chọn con đường tích hợp khả năng để đáp ứng nhu cầu đọc – nghe – nhìn của họ. Nhiều bạn đọc của báo Quảng Nam vẫn lặng lẽ làm công việc “điểm tin”, chia sẻ những thông tin hữu ích và chỉ ra những “hạt sạn” trong nội dung tờ báo hàng ngày. Phản hồi của bạn đọc chính là câu chuyện động viên cho những cây bút có tâm có tầm, đồng thời cảnh báo cho những ai coi nghề báo là cần câu cơm.

ĐIỆN NAM

ĐIỆN NAM