Cái vỉa hè

ĐĂNG QUANG 07/07/2014 08:45

Đường sá mở rộng, đô thị chỉnh trang, đều liên quan đến chuyện cái vỉa hè.

Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp HĐND tỉnh, cho thấy việc xây dựng đường sá vẫn thuộc loại ý kiến được quan tâm nhiều nhất. Hàng loạt con đường tỉnh, đường huyện như ĐT609, ĐT611, ĐT614, ĐT616, ĐT617, ĐH6… đều được cử tri đề nghị đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng. Trong đó, có những con đường được xây dựng từ lâu, nay cần nâng cấp mở rộng, trước hết là hệ thống vỉa hè với cống ngầm và lề đường như ĐT 616 (quốc lộ 40B); hay cần mở rộng tuyến đường ĐT609 đoạn từ thị trấn Ái Nghĩa đi xã Đại Hiệp để hạn chế tai nạn giao thông. Thực tế, có những con đường đã bị “nền kinh tế vỉa hè” xâm lấn, khiến giờ đây hình hài bị biến dạng, trở nên chật hẹp, việc mở rộng để đảm bảo an toàn giao thông là đòi hỏi bức thiết. Thấy rõ nhất là tuyến quốc lộ 1 đang phải mở rộng, đi qua nhiều thị trấn, thị tứ, phải đập bỏ hoàn toàn vỉa hè cũ. Lâu nay, cư dân sống dựa vào buôn bán hè phố, bây giờ chắc chắn bị dự án này tác động không nhỏ đến chuyện kinh doanh.

Nhân đây cũng xin nhắc lại về thực trạng thiết kế, chất lượng xây dựng. Trong xây dựng cầu đường, chỉnh trang đô thị, kể cả ở “tỉnh lẻ” như Quảng Nam, có nhiều chuyện lạ liên quan cái vỉa hè. Một là, thiết kế xây dựng thế nào mà từ đường lên vỉa hè vào nhà có độ dốc qua bậc cấp lớn. Vì vậy, hè đường vừa xây dựng xong là dân phải tự đập để hạ độ dốc, hoặc đổ bê tông tràn từ lòng đường lên vỉa hè để lấy lối đi xe ra vào nhà. Hai là, chất lượng xây dựng thế nào mà sau khi hoàn thành tuyến đường ít lâu là vỉa hè meo mốc, sụt lún. Cuối cùng là nỗi khổ do không đồng bộ trong đầu tư, cùng một cái vỉa hè vừa xây lắp xong thì “các ông” điện, viễn thông, cấp nước... đào xuống lật lên mấy bận không phải là chuyện hiếm. Ngay ở thủ đô Hà Nội chuyện này cũng diễn ra gây nhức nhối. Cử tri thủ đô hiện đang bức xúc vì vỉa hè liên tục bị đào xới, đặc biệt có nơi vừa mới lát xong lại bị đào lên gây lãng phí, tốn kém. Chuyện đó khiến ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phải thốt lên rằng, ở nước ngoài vỉa hè tồn tại cả trăm năm, không lún, càng dùng càng đẹp, nhưng chúng ta làm tháng trước tháng sau đã hỏng. Đặc biệt có tình trạng tiêu cực trong xây dựng vỉa hè như người dân phản ánh là nếu không chi 300 nghìn đồng cho những người thi công thì vỉa hè trước cửa nhà không được hạ thấp xuống. Họ phải đổ xi măng, phải làm giá sắt rất tốn kém. Quảng Nam chưa thấy phản ánh chuyện tiêu cực như vậy, song đó là điều phải cảnh báo.

Xung quanh cái vỉa hè là một nền kinh tế phi chính thức, đầy ắp hơi thở đời sống dân nghèo. Theo nhà báo Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) thì “kinh tế vỉa hè” là bộ phận quan trọng của nền kinh tế phi chính thức. Trong một số nghiên cứu cho thấy nền kinh tế này hiện chiếm 30% nền kinh tế chính thức. Kinh tế vỉa hè cũng giúp xã hội giải quyết những bất ổn do lao động thất nghiệp tăng cao, vì dựa vào vỉa hè người dân biết tự xoay xở buôn bán kinh doanh, sống “đắp đổi” qua ngày. Nếu hiểu như vậy, cái vỉa hè không còn là chuyện nhỏ nữa.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG