"Chỉ có biển mới biết…"
Cuối tuần này, biển lại xôn xao. Với “Tam Thanh biển gọi”, cư dân Tam Kỳ, vùng nam Quảng Nam khao khát tạo dựng một thương hiệu du lịch, mở lối đi trên cát để nhìn ra biển.
Tự dưng tỉ mẩn soi trên bản đồ nước Việt, Tam Thanh nhỏ như dấu chấm bút bi trên đường bờ biển. Nhỏ thì phải rồi, vì bờ biển Việt Nam dài khoảng 3.400km. Nói “khoảng” vì có điểm lạ, hiện tại chiều dài bờ biển Việt Nam được công bố với nhiều con số khác nhau. Trang web của Bộ Khoa học - công nghệ ghi chiều dài bờ biển nước Việt là 3.350km, trong khi một số tổ chức nước ngoài ghi khác. Tại website của CIA World Factbook (http:www.cia.gov ), công bố chiều dài bờ biển Việt Nam là 3.444km chưa tính chiều dài bờ biển đảo. Tuy nhiên với cách tính của Viện Tài nguyên thế giới và Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc xác định bờ biển Việt Nam dài tới hơn… 11.409km. Theo các chuyên gia, sở dĩ có con số đó vì người ta tính bờ biển bao gồm cả bờ biển ngoài (theo định nghĩa cổ điển cộng với bờ đảo biển) và bờ biển trong bao gồm đầm phá và các cửa sông chịu tác động mạnh của thủy triều. Dù cách tính khác nhau, nhưng hầu hết đều có thể xác nhận Việt Nam đứng thứ 32 về chiều dài bờ biển trong tổng số 156 quốc gia có biển, và nếu tính với chiều rộng bờ biển 100km thì Việt Nam có tới 83% cư dân sống trong vùng duyên hải (bình quân thế giới chỉ 39%). Xem thế, ai là người Việt mà không suy ngẫm với câu hỏi vì sao chúng ta chưa là quốc gia hùng mạnh về kinh tế biển, dù có “bạc” trong tay (?).
Ngày xưa… “Biển ngây thơ và biển không như bây giờ”. Chỉ là lời một bài ca mà nghe lại cả nghìn trùng. Đúng rồi, ta đã hoang sơ cùng biển bao nhiêu năm, bao nhiêu đoàn lưu dân cắm cúi như con ngựa thồ hành tiến về phương Nam, thường nghĩ về miếng ruộng mảnh đất lập vườn. Nếu có ngước nhìn ra biển, lòng cũng cứ dặn “Có chồng làm ruộng em theo/lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”. Vì vậy, “chỉ có biển mới biết” những ngây thơ cả tin để máu Mỵ Châu thấm vào ngọc trai và “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương”. Biển ngày càng trở nên xôn xao sóng dữ. Tài sản, chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt bị biết bao nhiêu thế lực dòm ngó mà trước mắt là Trung Quốc kéo cái giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm trái phép trên vùng biển Việt Nam.
Biển đã cho ta biết bao điều, vậy ta sẽ phải làm gì cho biển, chậm còn hơn không. Như câu chuyện về vùng biển Tam Kỳ, bao nhiêu năm vất vả mà nhiều hộ dân ở Tam Thanh vẫn còn chật vật với cái nghèo. Một bãi tắm đông đúc hình thành kéo theo phát triển dịch vụ du lịch, đã mở hướng rồi. Còn đánh bắt, hậu cần, chế biến, nói chung là cả chuyện phát triển nghề cá, phát triển kinh tế biển hiện vẫn còn nhiều suy tư. Hưởng ứng Tuần lễ biển đảo Việt Nam vừa qua, giờ tiếp nối với “Tuần du lịch biển Tam Thanh”, sẽ có những hoạt động để khơi gợi tình yêu biển đảo. Nhưng còn cần hơn thế, với cái nhìn dài hơn, chiến lược hơn cho câu chuyện đầu tư phát triển vùng biển, hướng ra khơi xa gìn giữ chủ quyền Tổ quốc. Bởi từ dấu chấm nhỏ như Tam Thanh nối với hàng nghìn dấu chấm khác trên bản đồ làm nên chiều dài bờ biển nước Việt.
ĐĂNG QUANG