Theo bóng thời gian
Bạn ở phương xa hỏi sắp nghỉ lễ dài ngày, nhân kỷ niệm Chiến thắng 30.4 và Quốc tế lao động 1.5 này, nên du lịch nơi đâu? Du lịch, ừ thì đi chơi, thư giãn, thưởng thức sơn hào hải vị… hẳn người ta thường tìm đến những miền đất lạ, vùng sinh thái nghỉ dưỡng. Nhưng từ phía khác, có một dòng chảy khác của nhân sinh muốn hướng về những miền tâm linh với bao câu chuyện của thời gian đời người. Đó là xứ Quảng, dặm dài giữa khúc ruột miền Trung.
Hãy bắt đầu từ Quảng Bình, là Vũng Chùa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ ngàn thu. Chỉ qua Đèo Ngang không xa, cả một vùng biển trời hiện lên một sắc xanh kỳ lạ. Bàn án trước mộ Đại tướng là dải bờ cát và ghềnh đá như cánh cung giương ra biển. Một tháp chuông chênh vênh thu nạp gió ngàn và đại dương. Ở đó, còn mang theo tiếng vọng câu chuyện một con người in đậm dấu ấn trong lịch sử thế kỷ XX của dân tộc. Một Chiến thắng Điện Biên, 60 năm đã trôi qua còn lay động cảm xúc tự hào. Một Đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa non sông thu về một mối. Dấu ấn của thiên tài Võ Nguyên Giáp không chỉ ghi bằng đóng góp về mặt chỉ huy quân sự vào những chiến thắng đó của dân tộc. Điều lớn lao hơn cả là vị tướng đã khơi dậy sức mạnh, niềm tin và sự quyết thắng của người lính trên toàn mặt trận, thổi vào họ ngọn lửa tình yêu đất nước, chiến đấu vì nhân dân quên mình. Và, cả suốt đời, cho đến khi trở về lòng đất mẹ, tư tưởng vì dân, vì nước, vì quê hương vẫn thấm đẫm, như muốn ươm xanh từng ngọn cỏ lá cây. Có lẽ vậy, trên con đường về nơi Đại tướng yên nghỉ, một khu du lịch tâm linh sắp thành hình. Bao nhiêu đoàn người hành hương về đây cần những món quà lưu niệm, dịch vụ phục vụ. Nhờ đó, người dân nghèo có thể tìm được cơ hội để cải thiện cuộc sống. Cái ý nghĩa đời thường ấy, hòa với sự ngưỡng vọng, những suy tưởng về hình bóng một thiên tài phủ xuống thời gian, sẽ còn kịp đưa người về Đồng Hới, về Lệ Thủy, về “cửa sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày” thời kháng chiến.
Rồi băng băng con đường về phương nam, khách sẽ đến Vĩnh Linh, đất lửa một thời, thăm địa đạo Vịnh Mốc, nơi mà khát vọng sống của con người còn mạnh hơn bom đạn. Rồi vọng về bài hát “Bà Mẹ Gio Linh”, rồi bồi hồi với “Đôi bờ Hiền Lương”… Qua sông Thạch Hãn, con đò chèo nhẹ, thả xuống ngọn hoa đăng vọng niệm những linh hồn chiến sĩ, để rồi bước vào Thành cổ Quảng Trị nghe lại khúc ca bi tráng da diết hồn người.
Còn về Quảng Nam? Bồ Bồ, một “Điện Biên Phủ” của đất Quảng; Núi Thành cháy sáng ngọn lửa trung dũng kiên cường; Tiên Phước, mở màn chiến dịch xuân 1975 cùng Buôn Ma Thuột… Những sự kiện lịch sử bừng dậy trên mỗi chặng đường, khiến lòng ta sẽ khó quên câu chuyện về những chiến công anh hùng, những thức nhận về sự hy sinh vô bờ để làm nên ngày hòa bình cho đất nước, quê hương.
Trên dặm dài miền Trung đi qua, có cát trắng, biển xanh, có hang động, đền đài, phố cổ,… bày ra những cuộc lãng du đầy nắng gió miên man, thỏa sức tận hưởng quang cảnh thiên nhiên kỳ thú cùng thức ngon vật lạ. Trong chặng hành trình ấy, chỉ cần chút ít thời gian để dừng chân thăm những “địa chỉ đỏ”, hẳn bạn sẽ thấy rằng không chỉ có câu chuyện du lịch để lãng quên những nhọc nhằn mà còn để nhớ, để thương, để tự hào và khát vọng. Khí trời, nắng và gió, biển cả sông đầy và cả nước mắt nữa, đều có thể “tẩy trần” để gội rửa tâm hồn con người trên mỗi bước chân đi, theo bóng thời gian…
ĐIỆN NAM