Lên bò xuống búng
Hành trình của con tôm trong mấy chục năm qua ở đất Quảng luôn là câu chuyện phập phồng. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, các bãi triều đã xôn xao vì chuyện con tôm giúp cho bao số phận đổi đời. Rồi tôm dần gặm nát những cánh rừng ngập mặn. Rồi những cơn dịch bệnh liên tục giáng xuống đồng tôm.
Khi tỉnh tái lập, trên vùng đất Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn… con tôm hồi phục được ít năm. Ngày đó, máy sục khí mới đưa vào cùng kỹ thuật thâm canh, những đồng tôm ở Kỳ Trân (Bình Hải), Cẩm Châu (Hội An), cho năng suất tôm nuôi đột biến. Cả vùng phía đông Tam Kỳ như Tam Thanh, Tam Phú đã cải tạo đồng tôm, gợi lên khát khao lấy con tôm làm mũi đột phá chuyển dịch kinh tế. Rồi những đoạn sông qua Bình Nam, Tam Tiến dần bị thu hẹp, sông Trường Giang bị “bóp bụng” để dành chỗ cho con tôm sú lên đời. Người ta ào ạt ngăn sông, lấn nò, lấn đồng để nuôi tôm, khiến có chuyện đụng độ giữa dân sống bằng nghề sông và những người nuôi tôm, thậm chí có cuộc va chạm làm máu đã đổ.
Nhưng con tôm sú vào những năm đầu thế kỷ 21 tụt dốc lần hồi, không bền vững. Lúc lên thì bò, lúc xuống búng cái rẹt, người nuôi tôm mấy đận lao đao vì dịch bệnh. Nghề ương nuôi tôm giống từng thịnh đạt, với hơn trăm trại ương, cũng dẹp bỏ dần, để khâu giống chẳng còn ai kiểm soát. Quy hoạch vùng nuôi tôm sú đặt ra ngay từ sau ngày tái lập tỉnh, nhưng cũng chẳng đi đến đâu; những quy trình kỹ thuật, thủy lợi cho đồng tôm không được xử lý rốt ráo nên việc ô nhiễm môi trường đã trở thành căn bệnh trầm kha. Nhiều diện tích bị bỏ, hoặc chỉ nuôi quảng canh được chăng hay chớ hay phải xử lý thuốc đến ghê người mới giữ được con tôm khỏi bệnh. Nghề nuôi tôm tự phát lại quay về điểm xuất phát rất bấp bênh. Bằng chứng là tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, đại biểu các địa phương TP.Tam Kỳ, Núi Thành cho biết chính quyền sở tại rất lúng túng trong vấn đề quy hoạch nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm thẻ chân trắng. Phía người dân thì rất bức xúc về ô nhiễm môi trường, phá rừng dương ở vùng cát ven biển để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tình trạng nuôi tôm nước lợ cũng vướng về quy hoạch, vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương, các xã vùng đông gặp khó khăn khi giải quyết chất lượng nguồn nước khi nuôi trồng thủy sản. Toàn chuyện lặp đi lặp lại, ngăn chặn rồi tái diễn.
Chuyện đáng nói nữa là con tôm thẻ chân trắng, ao nuôi ăn vào vườn nhà, ra nổng cát. Người dân tự phát nuôi mà không ai ngăn chặn ngay từ đầu khiến giờ đây, theo Sở NN&PTNT có đến 700 hộ nuôi tôm trái phép. Khi chuyện nuôi tôm thẻ chân trắng trở nên quá nóng thì chính quyền ra tay. Quan điểm của UBND tỉnh là dùng biện pháp cứng rắn dừng ngay những trường hợp đang san ủi mặt bằng để nuôi tôm. Với trường hợp đang nuôi dở dang thì yêu cầu người nuôi tôm trái phép ký cam kết bảo vệ môi trường và không tái phạm sau khi thu hoạch. Một vấn đề đặt ra lần nữa là quy hoạch, không có chuyện lâu dài nhưng chấp nhận quy hoạch diện tích cho nuôi tôm tạm thời tại một số địa phương mà không ảnh hưởng môi trường, khu dân cư…
Liệu con tôm thẻ chân trắng có thoát cảnh lên bò xuống búng như phong trào nuôi tôm trước đây không? Không ai dám chắc hiệu quả vì đầu ra sản phẩm còn mù mờ. Ngăn cấm nuôi tôm trái phép đã đành, nhưng chuyện chưa có hồi kết là quy hoạch và tư vấn cho người dân đối tượng nuôi trồng nào để cho họ tìm kế sinh nhai? Đó mới là vấn đề, vì người dân miền biển, không ra biển thì quay vào bờ nuôi trồng thủy sản. Không giúp phương kế bài bản cho họ mưu sinh bền vững, hẳn “bụng đói đầu gối phải bò”, không bò theo con tôm thì cũng tự phát bò… theo con khác.
NGUYỄN ĐIỆN NAM