Tâm linh
Ngày xưa mẹ hay đem chuyện ma ra kể. Trong trí óc non nớt trẻ thơ, con ma hiện ra đủ thứ hình thù quái dị. Chỉ tin vậy chớ biết chi kiểm chứng có hay không. Lớn lên một chút, hiểu đó chỉ là huyễn tưởng, hay là còn có một thế giới nào khác, rằng biết về cái chết, về một thế giới tâm linh, đôi khi giúp con người ta sống nhân hậu trong đời thực. Vì bởi, nếu cứ làm chuyện ác thì không biết ngày mai mình nhận lại quả báo thế nào trong khi luôn có thế lực nào đó siêu hình dõi theo bước chân ta trên đường đời.
Gần đây, những câu chuyện bàn luận của người đời hay đề cập vấn đề tâm linh. Như cái chuyện những nhà ngoại cảm đi tìm mộ. Hư thật thế nào chưa rõ, nhưng ít nhất có hai cách nhìn gần như đối lập nhau. Rằng một bên cho rằng thế giới khác vẫn tồn tại với người đang sống và chỉ có người thấu thị mới biết những đòi hỏi từ thế giới tâm linh. Một bên khác, khoa học thực chứng tìm những bằng cớ bằng thực nghiệm, và cho biết những mẩu xương người quá cố được tìm bởi những nhà ngoại cảm là... không phải xương người, và chuyện tâm linh, “cận tâm lý, hiện tượng” đôi khi hão huyền, huyễn hoặc.
Song, dù nói thế nào chưa rõ, nhưng có chuyện là một hội thảo quốc tế hẳn hoi về du lịch tâm linh đã được tổ chức. Ông Phó Tổng thư ký hiệp Hội du lịch quốc tế nhận định rằng, Việt Nam là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, trong đó văn hóa tâm linh đã thực chứng những giá trị mà du lịch đang hướng đến. Hơn 32 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng 40% khách đi theo các tour du lịch tâm linh là một con số đáng suy ngẫm.
Thực ra du lịch tâm linh có gì mới đâu. Từ bao lâu rồi, rất nhiều người Quảng vẫn mang một niềm tin tâm linh để đến với lễ hội Bà Thu Bồn, bà mẹ xứ sở ; hay lễ hội Cộ Bà Chợ Được... Rồi cũng có một đơn vị đến đặt vấn đề về phát triển du lịch tâm linh ở Phú Ninh muốn biến nơi đây thành một kiểu Làng Mai của Thích Nhất Hạnh. Việc đó không thành, nhưng những người tìm đến Phú Ninh vẫn mang một niềm tin muốn tìm kiếm nơi để tĩnh dưỡng tâm hồn; xây dựng chốn hành hương của du khách muốn tìm phút “tọa thiền” giữa non xanh nước biếc.
Du lịch tâm linh của Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn chưa thành câu chuyện bài bản. Vì thế, hằng năm người ta chứng kiến sự nhập nhằng, thậm chí lợi dụng câu chuyện tâm linh để trục lợi. Ví như lễ hội Bà Chúa Kho, lễ hội Chùa Hương. Kể cả Quảng Nam cũng không là ngoại lệ, khi những ngày vía thánh thần được tổ chức để thu lợi mà chưa thấu thị đến giá trị văn hóa thẳm sâu.
Một tiềm năng rất lớn còn bỏ ngỏ khi những con người muốn hành hương về miền tâm linh và thưởng lãm cái đẹp. Trong thế giới ngày nay, chúng ta vẫn có thể phải tham cứu cách nhìn của những người duy vật, rằng, thế giới tâm linh không phải là thế giới của ma quỷ thần linh. Thế giới đó là bộ phận của thế giới vật chất mà chúng ta đang sống, nói đúng hơn nó chỉ là hiện tượng vật chất phát ra từ vật chất sống. Nghĩa là, mọi thế giới đều là một thế giới, chỉ có một thế giới vật chất mà chúng ta đang sống. Thế giới tâm linh chỉ là một hiện tượng vật chất do những vật thể có sự sống phát ra.
Mẹ ơi ! Chính vì lời mẹ dạy cho con biết tin yêu cuộc sống này trong câu chuyện mà một nhà văn đã đúc kết “Bên cạnh Phật có Ma, bên cạnh Chúa có Quỷ. Ma quỷ cũng dự phần bất tử với con người”. Ma, quỷ, thực ra là ánh chiếu của chính đời sống mà hành vi con người đã viết nên câu chuyện để tự nhắc mình.
ĐĂNG QUANG