Nghe em vào tư thục
Câu chuyện trường THPT Hà Huy Tập “bên bờ vực xóa sổ” tiếp tục được nhiều độc giả Báo Quảng Nam và dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, dĩ nhiên có không ít phụ huynh và học sinh, cả những thầy cô giáo của ngôi trường dân lập tư thục này, đang ở tâm trạng lo lắng.
Còn những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của Quảng Nam sẽ đặt vấn đề về định hướng mô hình giáo dục, những phân vân giữa chất lượng trường công lập và tư thục cùng cái nhìn về tương lai với mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Vân vân và vân vân…
Nghe em vào tư thục, “cái chết” được dự báo trước với tình trạng không tuyển sinh được. Như thông tin Báo Quảng Nam đã dẫn, hai năm gần đây, đầu vào học sinh lớp 10 của Hà Huy Tập chỉ khoảng 70 em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tại cuộc họp báo của UBND tỉnh, vừa tổ chức hôm 1.11, ông Nguyễn Tấn Thắng – Giám đốc Sở GDĐT đã “tranh thủ” diễn đàn gần cả tiếng đồng hồ để phân tích nguyên nhân các trường dân lập tư thục đang bế tắc chuyện tuyển sinh. Theo ông Thắng, trước hết là do số lượng trường tăng thêm trong khi quy mô học sinh giảm. Riêng khu vực nam Quảng Nam, nơi mà trường Hà Huy Tập đứng chân, giờ đây có thêm các ngôi trường ở vùng đông Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình (như THPT Duy Tân, Trần Văn Dư, Nguyễn Dục, Hùng Vương) nên gần như đã hút hết số học sinh dôi dư sau mùa thi tuyển/xét tuyển. Đó là chưa kể số trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề cũng tăng, phân luồng học sinh với những sự lựa chọn mới. Mặt khác, chất lượng dịch vụ công (giáo dục) cải thiện hơn nên sự lựa chọn công lập và tư thục cũng phân tuyến rõ hơn. Rồi nữa là những nguyên do về tâm lý, về sự lựa chọn giá cả (học phí, công lập chỉ 80 ngàn đồng còn tư thục như trường Hà Huy Tập đến 400 - 450 ngàn đồng/ tháng). Chung quy, nói như ông Thắng, thì trường công lập hiện nay dư sức để tải và không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn học sinh lựa chọn vào trường công hay tư. Việc trường Hà Huy Tập kiến nghị cho phép giải thể nếu tình trạng tuyển sinh vẫn bế tắc sẽ được ngành và UBND tỉnh xem xét, đồng thời giải quyết số học sinh đang học cũng như các chế độ chính sách hữu lý đạt tình với đội ngũ giáo viên.
Câu chuyện sẽ hạ hồi phân giải.
Vấn đề ở chỗ đáng bàn là chủ trương xã hội hóa giáo dục với việc khuyến khích trường ngoài công lập giờ đây phải định hướng thế nào? Chất lượng giáo dục, đặc biệt là trường công lập, quả thực đã được nâng lên hay chưa? Có thật là đầu vào công lập hay tư thục phân luồng là vì chi phí học tập? Con đường trải qua bậc phổ thông để đến đại học hay lựa chọn học nghề đã có lời giải với sự lựa chọn rộng mở hơn? Đó là những câu hỏi cho ngành giáo dục, cho câu chuyện thời sự về đào tạo nhân lực của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng.
Dù sự lựa chọn có theo hướng nào đi nữa, có đổi mới giáo dục được hay không, nghĩ cho cùng vẫn quy về chất lượng đào tạo và đầu ra của “sản phẩm”. Một nền giáo dục vẫn còn bị “bệnh thành tích”, chạy theo số lượng, đến lúc sẽ ngưng trệ, làm hỏng mấy thế hệ học trò. Vì vậy, qua thời thiếu trường học, đến thời loạn đủ thứ mô hình, không chỉ trường THPT mà cả đại học, cao đẳng cũng phải đi tìm học trò, vì “không mày đố thày dạy ai”. Lại nữa, sách giáo khoa, học phí thì thấy biến đổi “liên tù tì” mà chất lượng dạy và học vẫn đang là “bài toán khó”, thậm chí đáng cảnh báo về sự xuống cấp như một số nhà nghiên cứu lên tiếng. Đầu vào đã khó, đầu ra của sản phẩm cũng nan giải vì chưa gắn đào tạo với việc làm, nghề nghiệp. Lúc đó, không chỉ nghe em vào tư thục mà vào cả công lập cũng chua chát.
Đất học Quảng Nam đang chờ đợi với cơn khát “duy tân” giáo dục. Ít ra sự trống giong cờ mở của các nhà duy tân thực học của đất Quảng, như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Phan Thúc Duyện… từ thế kỷ trước, vẫn đặt ra câu chuyện thời sự cho hôm nay.
ĐĂNG QUANG
|