Phỏng vấn... cái còi
Thưa anh Còi, anh được giao chức năng, nhiệm vụ gì?
- Để thổi, để hú. Nôm na vậy chớ quan trọng lắm, là để cảnh báo, để báo hiệu…
- Chẳng hạn còi hú để báo có xe dẫn đường cho vị khách quan trọng, còi lệnh, còi báo cháy…đúng không ạ?
- Đúng rồi. Và, gần đây, Còi tôi được giao thêm nhiệm vụ cảnh báo xả lũ cho thủy điện.
- Vậy, sao vừa rồi báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, nói anh hú người nghe người không, cũng chẳng ích gì mấy khi thủy điện xả lũ?
- Ấy là do thời gian quy định cảnh báo quá gấp, nhà người dân ở xa còn dọn lụt kịp chứ ở sông suối gần đầu nguồn xả thì hoảng kinh vì nước lũ ập tới quá nhanh.
- Hình như anh không đọc Báo Quảng Nam?
- Hỏi gì kỳ vậy? Lạc đề!
- Không lạc, ấy là trong loạt bài “Chạy trước mưa bão”, Báo Quảng Nam đã phản ánh việc quy định 2 tiếng đồng hồ để cảnh báo xả lũ là quá gấp. Vậy sao không điều chỉnh?
- Anh nói dễ vậy sao? Này nhé, Quảng Nam có 16/25 nhà máy thủy điện được các ngành chức năng phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa nước thủy điện. Muốn điều chỉnh thì phải khảo sát thực tế, rút ra kết luận, rồi mới đề xuất, kiến nghị…
- Khi ấy thì lụt qua rồi, trước lúc “nước sôi lửa bỏng” anh hú mới có ý nghĩa chớ?
- Mình tôi thì làm được chi? Phải có “cả hệ thống chính trị vào cuộc” chứ. Anh mới không đọc báo kỹ.
- Sao ạ?
- Thì, ông Võ Văn Điềm ở Sở Nông nghiệp tỉnh nói trên Báo Quảng Nam, là đã có bản đồ ngập lụt gửi đến các địa phương trọng điểm rồi. Lẽ ra cán bộ cơ sở theo dõi sát diễn biến của thời tiết, rồi căn cứ theo bản đồ mà cảnh báo sớm và giúp dân lo dọn thì đâu bị động.
- Nhưng tôi muốn hỏi chuyện của thủy điện kia?
- Một vị lãnh đạo cũng vừa biểu dương Thủy điện A Vương phối hợp tốt trong xả nước điều tiết lũ. Trước cơn bão lụt vừa rồi, ông Nguyễn Trâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cũng thông tin là công ty đã lập xong bản đồ quy hoạch và xây dựng 7 hệ thống báo mức ngập lụt tự động tại các khu vực dân cư tại huyện Đại Lộc. Hệ thống này ghi nhận và truyền thông tin tự động về mức ngập lụt qua sóng điện thoại di động đến trung tâm điều hành và trực ban công ty. Trong mùa mưa lũ, mỗi khi xả tràn hồ chứa, trung tâm thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão của công ty sẽ thông tin xả tràn qua điện thoại di động và sử dụng các phương tiện giao thông lắp còi báo động lũ lụt, xả tràn hồ chứa để thông báo cho người dân ở 12 xã, thị trấn ở Đại Lộc.
- Nhưng lỡ gặp sự cố, bão dữ kèm lũ, sóng di động mất tích, đường tắc, còi tịt… thì làm sao?
- Vậy nên tôi mới nói cần cả hệ thống chính trị, tôi chỉ là cái còi, còn lực lượng con người mới là quan trọng. Bão lụt bời bời mà còn đi ăn nhậu thì còi có hú cũng chẳng ai nghe. Rồi phương châm là “5 tại chỗ”, vậy mà có nơi “tại chỗ” còn hớ hênh, lơ là việc phòng bị. Nói thật, việc “phòng” chu đáo hay không mới quan trọng, chớ khi bão lũ ầm ầm thì “chống” cái chi được.
- Sau cơn bão lụt dữ dội, anh muốn nhắn nhủ điều gì?
- Còi thì vẫn là còi. Quan trọng là người cầm còi. Xem phim hài chuyện ông Văn Hiệp làm trưởng thôn thì biết. Cái còi trong tay ông, dù chỉ là chuyện hài kịch, nhưng cũng gợi cho ta suy nghĩ về cái tâm, sự nhiệt tình của cán bộ. Nếu vì dân, cái còi trong lòng sẽ tự cảnh báo trước phải làm gì cho dân trong lúc phong ba bão táp.
ĐĂNG QUANG