Cánh cửa sự học
Mùa thi đại học đi qua, chuyện săn tìm kết quả rớt hay đậu cũng gần vãn khi các trường lần lượt công bố điểm chuẩn. Nhiều chuyện mừng, lắm thở than, cánh cổng trường đại học sẽ mở hoặc khép trước bao đôi mắt học trò. Ngày hôm nay (12.8), nhiều trường trung học lại tập trung học sinh xếp lớp, lại có một lớp 12 mới đứng trước sự lựa chọn để chuẩn bị mùa thi đại học sau gần một năm nữa. Một câu hỏi rất cũ nhưng luôn được đặt ra: có phải đại học là cánh cửa duy nhất để mở ra con đường chuẩn bị hành trang vào đời?
Rất nhiều vị chuyên gia giáo dục cho rằng đại học không phải là con đường duy nhất, hoặc đại học chỉ là bước tiếp nối cho quá trình hoàn thiện khả năng tự học suốt đời. Điều đó đúng. Càng đúng hơn khi minh chứng thực tế có biết bao con người tự học vươn lên thành tài, tìm được chỗ đứng mà xã hội vinh danh. Báo chí đưa tin những hình ảnh “bỏ ngang” đại học để ra đời lập nghiệp, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, dường như muốn khích lệ điều này và “an ủi” những học trò không may thi rớt. Song, thực tế ước mơ đại học vẫn là câu chuyện gây cuốn hút rất nhiều bậc cha mẹ sĩ tử. Tâm lý xã hội đâu dễ vượt qua làn sóng đã cuộn trào nhiều năm nay.
Một ngả rẽ khác thường được các nhà thực hành giáo dục khuyên là chọn con đường học nghề. Trong bối cảnh nhiều người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm bởi thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, học nghề có lẽ là con đường dẫn đến nhiều kỳ vọng tìm kiếm công ăn việc làm. Song chuyện học nghề gì để tương lai tìm được việc thì chưa có hướng nghiệp nào đảm bảo sự chắc chắn cả. Ngay một chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Nhà nước bảo trợ cũng còn vướng mắc. Ví như theo mục tiêu của ”Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2011-2015, cần đào tạo cho khoảng 4,7 triệu lao động (1,6 triệu người học nghề nông nghiệp; 3,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 120.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, đề án cũng chỉ nêu mục tiêu phấn đấu là tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%. Vậy 30% số người được đào tạo sẽ làm việc gì? Đó là chưa nói mặt tồn tại hạn chế của không ít địa phương là việc dạy nghề thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với thực tiễn, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng lao động. Nói đâu xa, người viết bài này từng có đứa cháu tốt nghiệp THPT, đi học nghề đóng tàu theo tư vấn hướng nghiệp của Vinashin, học vừa xong thì tập đoàn này vỡ nợ, nghề cũng bỏ luôn.
Vậy, chuyện có nên tiếp nối con đường đại học hay học nghề, đang cần sự hướng nghiệp khả thi hơn và phải gắn với cam kết chắc chắn từ phía người sử dụng lao động. Như thế cánh cửa sự học mới mở ra nhiều con đường vào đời.
ĐĂNG QUANG