Phòng và chống
Dịch tai xanh lan nhanh, chưa đầy một tuần mà số heo nhiễm dịch được phát hiện tăng gấp rưỡi (từ 2,7 nghìn lên hơn 4,1 nghìn con) dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương ra sức bao vây, khống chế dịch. Kỳ nghỉ tết kéo dài cộng với sự lơ là, hoặc vì “thương tình” người nuôi heo mà chậm công bố, triển khai chống dịch, khiến giờ đây càng phải đối phó dịch trên diện rộng, thiệt hại càng tăng thêm.
|
Khi dịch bùng phát, hiển nhiên ưu tiên hàng đầu là chuyện bao vây, khống chế, dập dịch. Song, ngay ở tình thế “nước sôi lửa bỏng” như vậy, cũng có thể phân tích để thấy rằng nguyên do để dịch tai xanh tái phát nhiều lần và lan rộng là bởi việc phòng dịch chểnh mảng. Bằng chứng là mầm bệnh tai xanh dường như đã được ủ sẵn nơi từng xảy ra dịch, chờ dịp là bùng phát nhưng cho đến nay các địa phương ấy vẫn loay hoay tìm giải pháp. Những khuyến cáo việc phòng dịch trước đây đã bị bỏ qua hoặc xem nhẹ nên chuyện chống dịch trở thành một phương án đối phó tình thế hết sức thụ động. Đó là hiện tượng “nóng đâu phủi đó”.
Không lạ gì những biện pháp đã được phổ cập trong công tác phòng dịch, từ việc vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, khử trùng bằng hóa chất, tiêm vắc xin… Vậy mà khi đoàn kiểm tra của Cục Thú y đến một số địa phương thì vẫn thấy người chăn nuôi không chú ý thực hiện những biện pháp đó. Lại xuất hiện một hiện tượng rất đáng phê phán là có người làm nghề thú y phát hiện ra bệnh tai xanh nhưng nói với chủ nuôi là bệnh khác, để… chữa lấy tiền. Kết quả, heo chết, “tiền mất tật mang”, mầm bệnh ủ lại, bà con nông dân nuôi heo thiệt hại kép.
Thiệt hại vì chuyện kém hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi thì đã rõ nhưng mặt khác cũng phải nhìn nhận thực tế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán rất khó khắc phục một sớm một chiều. Cũng vì vậy, việc phòng dịch, chống dịch rất khó khăn. Đã nghe nhiều chuyên gia và ngay ngành nông nghiệp nhiều lần đề xuất việc phát triển mô hình chăn nuôi tập trung nhưng chưa thấy ai giúp tháo gỡ cái khó đầu tiên của nông dân là… tiền đâu. Đầu tư chăn nuôi tập trung cần tiền nhiều hơn là thả nuôi trong chuồng trại gia đình vài ba con heo nái, dăm bảy heo thịt. Liệu chính quyền các địa phương và doanh nghiệp có xắn tay áo vào cuộc để đầu tư hạ tầng tập trung rồi cho nông dân thuê chăn nuôi theo mô hình hợp tác hay không? Chuyện đó sẽ còn chờ đợi dài.
Cú đánh của dịch tai xanh, kèm theo diễn biến bệnh trên tôm nuôi, bệnh trên cây trồng, khiến nông dân đất Quảng bước vào năm mới bằng câu chuyện khá xui xẻo. Nếu như ước nguyện “tiền hung hậu kiết” có thể trở thành chuyện được hiện thực hóa, thì sau trận dịch này cần một sự mổ xẻ triệt để nhằm giúp bà con nông dân tìm ra hướng chăn nuôi bền vững, từ chuyện đồng vốn đầu tư hạ tầng chuồng trại để tổ chức sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, chăm sóc, phòng dịch…
BẢO TRÂN