Thức cùng nông dân

NGUYỄN ĐIỆN NAM 21/01/2013 06:36

Những ngày này, về những vùng thôn quê xứ Quảng, đâu cũng thấy nông dân tất bật đủ chuyện. Hai mươi ngày nữa thôi, cái Tết Quý Tỵ chạm ngõ, cập rập quá rồi nên bao chuyện phải lo. Mùa chạp mả. Mùa cưới hỏi. Mùa mua sắm… Nhà có con cái, đi làm hay đi học xa cũng lo chuyện con trở về có được tấm áo mới, chuẩn bị gì cho chuyến hành trang năm sau. Rồi cũng lo dặn trước ang nếp nấu bánh tét, ngắm nghía nải chuối buồng cau, tàu lá gói bánh, lựa nhà hàng xóm có heo để chung góp làm thịt chia ít ký “trước cúng sau cấp”. Bao nhiêu việc, bấy nhiêu khoản, trông cả vào vụ rau, con heo, con gà...

Ngày, mỗi chiều đến đêm tối nhổ kẹp, bó rau. Sáng chạy ra chợ sớm, chiều lại về nhổ kẹp. Đêm chỉ chợp mắt vài ba tiếng đồng hồ, thao thức tính đã lo được chuyện gì rồi. Đến khi tết đến thì vạ vật ngủ mất mấy đêm cho lại sức rồi lại ra đồng coi lúa, xem dưa, sợ vì ăn tết mà mấy con sâu, chuột phá. Dường như, đối với nhà nông tết là nỗi lo, vậy thì họ lấy gì làm vui? Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, người con của vùng đất Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, đã suy nghiệm rằng chính cái lo tết làm nên niềm vui tết. Tết mà không lo đâm ra nhạt nhẽo. Lo mà háo hức, mà đợi chờ. Đúng rồi, người ta đợi chờ một cái gì mới mẻ sẽ đến...

Quá nhiều điều trong cái năm con Rồng đi qua khiến người ta càng khao khát chờ đợi cái gì mới sẽ đến. Năm Rồng, giặc giã quậy phá ngoài biển. Thủy hỏa đạo tặc có cả; như sự cố Sông Tranh 2, rồi chuyện cháy chợ... Kinh tế suy giảm khiến nông dân cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, vụ Nhà máy Cồn ở Đại Tân vỡ nợ, kéo những nông dân trồng sắn, đại lý buôn sắn đều thiệt. Không chỉ người nông dân ở Quảng mà ở nhiều vùng, Nam Bộ thì bỏ hoang ao đìa nuôi cá tra, Tây Nguyên cà phê tụt giá; những thương hiệu hàng hóa đã quen với bản địa bị nước ngoài cỗm mất; những thương vụ mua những loại hàng trời ơi đất hỡi với gà nhập lậu, mua đỉa, mua lá điều... Vậy là cái lo không chỉ bó hẹp trong vườn rau, đồng lúa ở một vùng nào mà rộng ra chuyện quốc gia đại sự. Không dưng mà ti vi mấy bữa rày riết róng đưa tin những dự án, những quyết sách đầu tư cho “tam nông”. Không thể để một “mặt trận nông nghiệp” tự lơi bơi tìm đường chuyển lên nền sản xuất hàng hóa khi không hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất, chế biến, và đặc biệt là để những yếu kém kéo dài trong xúc tiến thị trường và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vấn đề xây dựng nông thôn mới trở nên bức thiết với câu chuyện quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển ngành nghề sản xuất... Một đất nước, hai phần ba là nông dân, phải thao thức trên chính cái nôi đã sản sinh ra mình.

Nông dân đất Quảng từ xưa đến nay đều cần cù, một nắng hai sương, sáng tạo. Những năm tháng đi qua đã ghi dấu ấn biết bao nỗ lực của nông dân trong góp công tạo nên diện mạo mới khang trang hơn, từ những con đường giao thông nông thôn đến những công trình văn hóa cộng đồng, từ những giống cây trồng mới đến trăn trở tìm đường ra biển khai thác cá tôm. Song, cũng như nông dân cả nước, người nông dân đất Quảng còn nhiều gian khó trong đời sống. Đại hội Nông dân trong nay mai đây có giúp gợi lên một hướng mở cho một chặng đường mới của tương lai? Quả là một sự kỳ vọng. Sẽ là điều mới mẻ khi tìm ra được những chính sách hữu hiệu giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mạnh hơn, phát triển kinh tế bền vững hơn. Cái Tết Quý Tỵ mong đợi sẽ là một dấu mốc cho chặng đường ấy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM