Thưởng... thoát nghèo
Tuần qua, Báo Quảng Nam đăng tải loạt bài về lo tết cho dân, phản ánh khá đầy đủ những chủ trương, chính sách, hoạt động của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm chuẩn bị một cái tết đầm ấm, no đủ cho mọi nhà, mọi người. Năm qua, kinh tế khó khăn nên việc lo tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, các trường hợp khó khăn đột xuất càng được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.
Mừng vì theo thông tin từ các cấp, các ngành, tất cả các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất đều được hỗ trợ một khoản tiền, hay hàng hóa thiết yếu để lo tết, đón xuân. Nhưng không khỏi trăn trở, suy tư khi Quảng Nam hiện còn hơn 69 nghìn hộ nghèo (chiếm 17,93% tổng số hộ) và trên 52 nghìn hộ cận nghèo (chiếm 12,5% tổng số hộ). Nghĩa là, tết này, khoảng 30% số hộ dân trong toàn tỉnh sẽ được trợ cấp từ ngân sách tỉnh, theo như phương án đề xuất của ngành chức năng! Một khoản tiền không nhỏ trong điều kiện một tỉnh còn nghèo, ngân sách eo hẹp như Quảng Nam, dù mỗi hộ chỉ được cấp một vài trăm nghìn như đề nghị.
Nhưng điều đáng nói hơn là đằng sau câu chuyện hộ nghèo, đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc. Lãnh đạo một huyện miền núi của tỉnh thông tin, ông đi kiểm tra, có thôn, chỉ trừ hộ của trưởng thôn và bí thư chi bộ, còn tất cả đều được đưa vào diện “hộ nghèo”. Và kết luận, “với chính sách hiện nay, không ai muốn thoát nghèo”. Có lẽ, một phần vì điều này mà tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2013 do UBND tỉnh tổ chức tuần qua, vấn đề hộ nghèo và giảm nghèo lại được bàn luận sôi nổi, với không ít bức xúc, từ nhiều góc độ.
Một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo. Một số cán bộ cơ sở, vì nhiều lý do, cũng không muốn giảm số hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương mình. Đó là điều có thật. Nguyên do là những bất cập từ chính sách và thực thi chính sách tại cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, khi gặp gỡ báo chí sau hội nghị nêu trên, cũng bày tỏ nhiều tâm tư về câu chuyện xóa nghèo. Ý tưởng về việc... thưởng cho những hộ “mạnh dạn thoát nghèo”, cũng được đề cập, như là một biện pháp khuyến khích, động viên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người “không muốn thoát nghèo”.
Người nghèo đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Đó là điều luôn cần thiết và rất đáng mừng. Nhưng, sự thiếu đồng bộ về chính sách, và thực hiện không nghiêm chính sách, sẽ khiến chính sách khi đi vào đời sống bị méo mó, lệch lạc, thậm chí phản tác dụng.
Năm 2013 được Quảng Nam chọn làm năm tập trung thoát nghèo. Một hệ thống giải pháp đồng bộ đã được UBND tỉnh đề ra và chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm. Hy vọng, trong dịp tết năm sau, chung quanh câu chuyện về hộ nghèo sẽ không còn để lại nhiều trăn trở, suy tư, kể cả bức xúc của các cấp, các ngành và dư luận xã hội; và nhiều cán bộ cơ sở sẽ không phải “đau đầu” khi chuyển tiền, hàng hỗ trợ cho hộ nghèo đón tết.
LÊ VĂN