Xung đột lợi ích

10/12/2012 01:36

Thực ra, trong xã hội có phân chia những nhóm cộng đồng, giai cấp, tầng lớp… thì đều gắn với những nhóm lợi ích tương ứng. Lợi ích nhóm là một sự tồn tại gần như hiển nhiên, và mục tiêu tranh đấu của cuộc sống là giải quyết vấn đề lợi ích. Trong tồn tại xã hội, các nhóm lợi ích tạo thành thể thống nhất với các mặt mâu thuẫn, đối lập. 

Hiểu như vậy, ta mới thấy chuyện vì sao ở đâu cũng có biểu hiện lợi ích nhóm và mâu thuẫn của nó.

Như ở tầm quốc tế, cả Nghị định thư Kyoto, rồi đến Hội nghị COP18 mới đây cũng thất bại trong việc tìm tiếng nói chung giữa nhóm các nước giàu và nước nghèo. Anh giàu không chịu thực hiện cam kết cắt giảm khí thải, hoặc đóng góp nhiều hơn vào việc ứng phó biến đổi khí hậu. Anh nghèo thì bị khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, thành bãi rác công nghệ… 

Ở tầm quốc gia như Việt Nam, mâu thuẫn lợi ích nhóm biểu hiện thời gian qua rõ nhất trong những lĩnh vực đầu tư, tài chính. Chẳng hạn, đầu tư vì lợi ích cục bộ địa phương dẫn đến tình trạng nơi nào cũng có sân bay, cảng biển; hoặc có nhóm các ngân hàng liên kết thâu tóm các nguồn đầu tư tín dụng của nhà nước để “lấy tiền mua tiền”; các tập đoàn biểu hiện sự độc quyền trong làm giá. Nguy hiểm hơn là “một bộ phận không nhỏ” có chức có quyền cấu kết với giới đại gia tài phiệt “buôn chính sách” nhằm bòn rút tiền bạc của nhà nước, lũng đoạn thị trường, làm điêu đứng nền kinh tế. 

Ở cấp độ địa phương như Quảng Nam cũng có những biểu hiện của  lợi ích nhóm, tuy nhiên mức độ thấp hơn. Một vụ việc như thủy điện Sông Tranh 2, nếu không nảy sinh mâu thuẫn đến phải cân đong đo đếm về lợi ích  hẳn sẽ không bùng nhùng, khó định đoạt lâu như vậy. Hay như vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản với lợi ích của địa phương đã giải quyết rốt ráo hẳn sẽ không bung xung những điểm nóng mà cử tri liên tục kiến nghị trong thời gian qua.  

Có những nhóm lợi ích có thể “chung sống” với nhau theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Nhưng có những nhóm mâu thuẫn, thậm chí xung đột nhau vì bên quá lợi và bên quá hại, hoặc cái lợi thuộc về nhóm quá nhỏ, cái hại thì thuộc về nhóm quá đông. Để điều hòa, giải quyết mâu thuẫn của các nhóm lợi ích, cần sự xuất hiện vai trò của nhà nước. Trong thể chế dân chủ, nhà nước thực thi quyền lực bảo đảm một xã hội không bị đổ vỡ vì xung đột lợi ích các nhóm trong khi vẫn hướng ưu tiên vì lợi ích công của đa số dân chúng. Công bằng xã hội, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, là chuyện mà nhà nước ta không những phải “phấn đấu” mà còn phải xem là lý do để tồn tại như bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân.

ĐĂNG QUANG